Thứ sáu, 03/07/2020,07:51 (GMT+7)
Giáo dục được kỳ vọng từ luật mới
Hôm nay (1-7), Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thi hành, tác động lên hàng chục triệu học sinh, sinh viên và giáo viên cả nước
Luật giáo dục 2019 gồm 9 chương, 115 điều; thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
 
Hàng trăm ngàn giáo viên phải nâng chuẩn
 
Có thể nói gây tác động nhất của Luật Giáo dục 2019 là quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên ĐH. Theo đó, chuẩn trình độ đào tạo của GV mầm non nâng từ trung cấp sư phạm lên CĐ sư phạm; GV tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo GV; GV THCS từ CĐ sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo GV. Trường hợp môn học chưa đủ GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
 
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cả nước có khoảng 59,64% GV tiểu học đạt trình độ từ ĐH trở lên, còn khoảng 40,36% (159.934 GV) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn; GV THCS có trình độ từ ĐH trở lên chiếm tỉ lệ 74,6%, còn 25,4% (78.974 GV) cần được bồi dưỡng nâng chuẩn.
 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo GV là bước đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Dù quy định lộ trình để tránh sự xáo trộn nhưng trong thực tế, hàng ngàn GV ở khắp cả nước trong năm qua đã cấp tập đi học nâng chuẩn. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng đây là chính sách quan trọng nhất trong Luật Giáo dục mới. Bởi lẽ, muốn giáo dục phát triển, đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao, không cách nào khác là nâng chuẩn người thầy.
 
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nhìn nhận quy định của Luật Giáo dục 2019 liên quan đến hướng nghiệp, phân luồng và liên thông sẽ khai thông được những vướng mắc mà Luật Giáo dục 2005 chưa giải quyết được. Tác động đầu tiên của Luật Giáo dục 2019 là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Do dịch bệnh Covid-19, lẽ ra kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ diễn ra từ tháng 6, đã lùi lại đến tháng 8-2020, đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và những học sinh học hết lớp 12 không tham gia kỳ thi này hoặc có tham gia nhưng không đạt vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Ngay trong năm 2020, các chỉ tiêu về phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT cũng được quy định rất rõ. Theo đó, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang hệ giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và 40% học sinh tốt nghiệp THPT chuyển sang hệ giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ.
Giáo dục được kỳ vọng từ luật mới - Ảnh 1.
Luật Giáo dục 2019 dẫn đến nhiều thay đổi về công tác giảng dạy, học tập trong thời gian tới. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Miễn học phí cho nhiều cấp học
 
Theo Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 1-7, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở các địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục tư thục sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Đối với trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… thì được miễn học phí. Những trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc các đối tượng trên và học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
 
Thực tế tại TP HCM, học sinh các trường tiểu học công lập không phải đóng học phí. Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và bậc THCS là một chính sách nhân văn. Bởi lẽ, việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho tất cả những em có hoàn cảnh khó khăn cũng được đến trường. Tuy nhiên, ông Ngai cũng cho rằng để làm được điều này, các cơ sở giáo dục phải tính toán thật kỹ vì hiện nay, các trường hoạt động bằng ngân sách và nguồn thu học phí. "Nếu không thu thì các hoạt động giáo dục sẽ tổ chức thế nào vì làm gì cũng cần kinh phí. Đi kèm với đó là cơ chế giám sát, công khai ra sao để phòng trường hợp phát sinh tiêu cực như nhà trường vận động phụ huynh đóng góp…" - ông Ngai băn khoăn.
 
Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng để đánh giá tác động của luật, còn phải chờ thêm nhiều thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn một số nuối tiếc dù đã góp ý nhưng không được thay đổi, đó là quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục, kể cả phổ thông và ĐH. Bộ GD-ĐT vẫn dùng "tăng quyền tự chủ" mà không phải là "trao quyền tự chủ". Điều này cảnh báo còn nặng về sự ôm đồm của cơ quan quản lý. Chính quy định chung chung, thiếu rõ ràng trong quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã nảy sinh nhiều trường hợp sai phạm nhưng không ai nhận. Điều này kìm hãm sự phát triển của các trường, đi ngược với xu thế hiện đại. 
 
Giao UBND cấp tỉnh chọn sách giáo khoa
 
Theo Luật Giáo dục 2019, UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Luật cũng quy định rõ: Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và các bên liên quan. Đặc biệt, Hội đồng phải có ít nhất một phần ba thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
 
Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu