Hai giấy phép lái xe giả bị thu giữ. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông
Vẫn tồn tại các đường dây làm giả giấy phép lái xe
Hôm 10.11 vừa qua, Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an thông tin việc phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với đường dây hoạt động làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…
Chỉ trong khoảng 1 tháng, các đối tượng trong đường dây đã sản xuất, bán trên 5.000 văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả. Trong đó là các loại bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ hành nghề, giấy phép lái xe các loại, giấy khám sức khỏe...
Vụ án được triệt phá khi cùng ngày, lực lượng chức năng bắt quả tang Trần Văn Hạnh (28 tuổi) và Hoàng Văn Nguyện (22 tuổi) cùng ở huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đang tổ chức làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Sau đó, cơ quan công an đã triệu tập thêm hai đối tượng liên quan gồm Nguyễn Trọng Tải (33 tuổi), Nguyễn Văn Toàn (33 tuổi).
Lực lượng chứng năng đã thu giữ hàng trăm văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả và hàng nghìn phôi để sản xuất giấy tờ giả; 3 bộ máy vi tính; 2 máy in màu; 5 điện thoại thông minh và máy ép nhựa, 9 hộp mực in các loại màu, hàng nghìn tem nghi chống giả, sổ sách ghi chép khách hàng...
Các đối tượng trên sau khi làm giả, quảng cáo và bán bằng giả trên các trang mạng xã hội, thu lời khoảng 2 tỉ đồng.
Trước đó không lâu, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội cũng triệt phá đường dây sản xuất, tàng trữ và mua bán giấy phép lái xe giả với quy mô toàn quốc, doanh thu cả chục tỉ đồng mỗi năm do Phạm Văn Vũ (25 tuổi, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) cầm đầu. Trong đường dây của Vũ, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục đối tượng ở các “chi nhánh” khác nhau.
Ban đầu, Vũ mua những tấm nhựa để làm phôi bằng giả. Tuy nhiên sau đó, Vũ trực tiếp chỉ đạo đàn em sang nước ngoài mua phôi. Toàn bộ những công đoạn từ chuẩn bị phôi, tem, dán, ép, vận chuyển cho đến tìm kiếm khách hàng được đối tượng và đám đàn em làm quy trình khép kín, đảm bảo bí mật.
Vũ còn tuyển cộng tác viên, đồng thời còn thuê một số công ty truyền thông “chạy” quảng cáo với các tên gọi là những trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có uy tín trên nền tảng mạng xã hội. Từ đây, nguồn khách có nhu cầu mua bán giấy phép lái xe đổ về đường dây của Vũ ngày càng lớn.
Với giá mỗi bằng lái xe máy, mô tô giả từ 1-3 triệu đồng, xe ôtô từ 2-7 triệu đồng. Theo đó, mỗi tháng, Vũ hưởng lợi khoảng hơn 500 triệu đồng. Trong vòng gần 2 năm hoạt động, Vũ kiếm lợi bất chính tới hàng chục tỉ đồng.
Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội xác định có 5 ổ nhóm đối tượng, ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ 31 đối tượng về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức (quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự).
Hàng trăm bộ hồ sơ giấy phép lái xe ôtô, môtô, giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch… và bằng lái xe giả do các đối tượng sản xuất chưa kịp chuyển đi giao cho khách hàng cùng hàng chục nghìn tấm phôi nhựa, nhiều thiết bị, máy móc, phương tiện của các đối tượng dùng để sản xuất, mua bán giấy phép lái xe giả cũng bị Phòng Cảnh sát hình sự thu giữ.
Hệ lụy từ sử dụng giấy phép lái xe giả
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc nhiều lái xe sử dụng bằng giả khi điều khiển phương tiện giao thông, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, mức phạt ở nhiều lỗi vi phạm giao thông trong Nghị định 100 mang tính răn đe mạnh, nhiều lỗi thời gian tạm giữ giấy phép lái xe của người vi phạm dài.
Tuy nhiên, thay vì chấp hành những chế tài xử lý mạnh tay của Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng, không ít người vi phạm đã bất chấp những quy định của pháp luật, đi tìm, mua bán nguồn bằng giả để sử dụng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trên toàn quốc, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Giấy phép lái xe giả nhưng nguy cơ và tai nạn thật thì luôn hiện hữu với hậu quả khủng khiếp.
Trước thực trạng trên, Cục An ninh chính trị nội bộ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả. Vì nếu sử dụng các loại giấy tờ này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Điều 341 quy định về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức": Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2-5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.