Thứ năm, 14/11/2019,11:38 (GMT+7)
Giúp học sinh thêm hứng thú tới trường
Những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Quảng Ninh từng bước giúp học sinh DTTS hứng thú hơn khi tới trường, tự tin hơn trong giao tiếp.
Giúp học sinh thêm hứng thú tới trường
Giờ học tiếng Việt tại Trường mầm non Ðại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).
Triển khai đề án tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tiên Yên đã chỉ đạo các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú, hấp dẫn học sinh tham gia học tập. Ðối với cấp học mầm non, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện quan tâm đặc biệt đến xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ DTTS phù hợp nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề.
 
Ngoài ra, các trường tổ chức các giờ học tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vào những buổi chiều trong tuần, tổ chức trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô và những người chung quanh, tạo cho trẻ có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động với môi trường tiếng Việt. Ðối với cấp tiểu học, các trường thực hiện bảo đảm đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp; tổ chức trò chơi học tập, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng.
 
Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ðại Dực (huyện Tiên Yên) Quách Văn Thụy chia sẻ: Nhà trường quy định các em học sinh phải dùng tiếng Việt trong giao tiếp với thầy, cô giáo và các bạn khi đến trường, hạn chế dùng tiếng DTTS, đồng thời, nhà trường cũng cố gắng sắp xếp, bố trí tăng thêm giờ học tiếng Việt cho các em khi lên lớp. Ngoài ra, các lớp kết hợp các hoạt động ngoại khóa đã giúp cho các em tự tin và hăng hái hơn khi giao tiếp bằng tiếng Việt.
 
Không riêng huyện Tiên Yên triển khai hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non vùng DTTS mà ở nhiều địa phương miền núi của Quảng Ninh, như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Ðầm Hà, Hoành Bồ, Hải Hà... cũng đã đẩy mạnh xây dựng môi trường nâng cao tiếng Việt cho trẻ em người DTTS. Các địa phương xây dựng thư viện thân thiện, phù hợp để khuyến khích các bậc cha mẹ cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho trẻ. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng quan tâm phát triển mô hình nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ làm cầu nối ngôn ngữ cho trẻ tại các điểm trường vùng khó khăn, miền núi.
 
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy cho biết: Sau hơn hai năm triển khai, chất lượng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các em hứng thú đến trường, tham gia tích cực vào các hoạt động; vốn từ của trẻ dần được mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt, trẻ thích giao tiếp với cô, với bạn bằng tiếng Việt, 100% trẻ DTTS ra lớp học hai buổi/ngày được chuẩn bị tiếng Việt.
 
Từ năm 2014 đến nay, ngành giáo dục Quảng Ninh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc cho gần 100 giáo viên mầm non vùng dân tộc thiểu số ở các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Ðầm Hà và Hải Hà. Hầu hết các giáo viên mầm non dạy tại các vùng DTTS đều có thể giao tiếp được với trẻ là người DTTS. So với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 thì đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt và vượt tỷ lệ trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp.
 
Trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp độ tuổi; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học tăng cường tiếng Việt tại các trường mầm non, tiểu học vùng DTTS được đầu tư đầy đủ.
BÀI, ẢNH: QUANG THỌ VÀ THÙY DƯƠNG - (nhandan.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu