Thứ sáu, 11/10/2019,10:43 (GMT+7)
Gỡ khó cho giáo dục
Mặc dù có nhiều nỗ lực chăm chút cho giáo dục, nhưng Hậu Giang vẫn còn những khó khăn khách quan, cần tháo gỡ, khi các trường học ở trung tâm quá tải học sinh và thiếu giáo viên.

Thực trạng thiếu giáo viên mầm non đang là khó khăn của các trường.

Vẫn “điệp khúc” thừa, thiếu giáo viên

Bà Đào Thị Mộng Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Năm học này, nhà trường thiếu 6 giáo viên. Chúng tôi đã xin chủ trương hợp đồng được 5 giáo viên (5 hợp đồng cũ vận động giáo viên ở lại trường công tác), còn thiếu 1 giáo viên vẫn chưa có hướng giải quyết. Việc thiếu giáo viên của trường là khó khăn nhiều năm nay nhưng do khan hiếm nguồn giáo viên hợp đồng nên dù đã có chủ trương, nhưng việc chưa tuyển đủ giáo viên đứng lớp”. Trường huy động hơn 200 trẻ với 6 nhóm, lớp trong năm học 2019-2020.

Cũng nằm trong tình trạng thiếu giáo viên, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1, huyện Vị Thủy, đang nỗ lực tìm giáo viên hợp đồng. Ông Huỳnh Văn Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện trường đang thiếu 1 giáo viên chủ nhiệm lớp. Đây là lo ngại của nhà trường khi đã vào chương trình học khá lâu. Việc thiếu giáo viên chủ nhiệm gây khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý học sinh. Giải pháp trước mắt của trường là ban giám hiệu phải tranh thủ phân công nhau quản lý lớp. Chúng tôi đang chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên thiếu về trường”. Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1 có tổng số 416 học sinh, với 17 lớp học, tăng 26 học sinh so với năm học trước. Trường hiện có 28 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nhiều trường tiểu học khác do số lượng lớp phát sinh nên cũng khó như Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1.

Bên cạnh thực trạng thiếu giáo viên, việc thừa giáo viên ở các trường cũng là bài toán nan giải, nhất là ở cấp THCS và THPT. Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm học 2019-2020, trường thừa 2 giáo viên bộ môn là tiếng Anh và môn hóa học. Nguyên nhân thừa là do nhà trường sắp xếp lại số lượng học sinh trên lớp học. Sau khi rà soát, sắp xếp theo đúng quy định, chỉ tiêu tuyển sinh được giao thì trường đã giảm bớt 2 lớp học. Giảm lớp học sẽ kéo theo giảm số lượng giáo viên theo quy định”.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học này, ngành giáo dục thiếu hơn 1.340 giáo viên: Cấp học mầm non, mẫu giáo - thiếu gần 880 giáo viên; kế đến là cấp tiểu học - thiếu 295 giáo viên; cấp THCS thiếu 72 giáo viên và cấp THPT thiếu 99 giáo viên.

Áp lực sĩ số học sinh

Số lượng học sinh đông, nhiều phòng lớp phải sắp xếp thêm dãy bàn và kéo lên gần sát bục giảng để đảm bảo đủ chỗ cho học sinh ngồi học tập, đó là thực trạng khó khăn nhiều năm nay của Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh. Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng trường, bộc bạch: “Thời gian qua, trường đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp lại sĩ số học sinh trên lớp. Tuy nhiên do là trường trung tâm, học sinh lại trong địa bàn phụ trách nên thực trạng sĩ số học sinh vượt quá quy định là điều nằm ngoài khả năng của nhà trường”. Khó khăn của trường là thiếu phòng học dẫn đến sĩ số học sinh trên lớp khá đông. Nhà trường đã tranh thủ vận động các nguồn xã hội hóa để nâng cấp sửa chữa, tuy nhiên vẫn chỉ là chắp vá. Trường Tiểu học Kim Đồng được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2008. Những năm học trước, trường có hơn 1.300 học sinh với 31 lớp học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học mỗi lớp không quá 35 học sinh, trường không quá 30 lớp. Dù hiện nay, trường đã có nhiều cố gắng khi trường giảm chỉ còn 1.200 học sinh với 30 lớp học nhưng trường chưa đảm bảo được sĩ số học sinh trên lớp, vì mỗi lớp có đến 40-45 học sinh.

Các trường khác như Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị xã Long My; Trường Mầm non Hoa Trà Mi, Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh… cũng gặp khó ở áp lực sĩ số.

Việc quá tải học sinh ở các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học không phải chuyện mới. Tuy nhiên, sĩ số học sinh tại các lớp học quá đông do cơ sở vật chất chưa đảm bảo nhu cầu, khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Bà Nguyễn Ngọc Nguyệt, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thổ lộ: “Lớp học khá đông, tôi nghĩ giáo viên cũng sẽ ít nhiều bị áp lực. Thấy con học ngồi học gần sát bản tôi cũng hơi ngại nhưng điều kiện cơ sở vật chất của trường đang khó khăn cũng đành phải chịu”.

Giải pháp nào ?

Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, chia sẻ: “Nhà trường luôn tranh thủ các sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, thành phố, khó khăn của nhà trường sẽ được giải quyết trong thời gian tới khi nhà trường vừa được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ nâng cấp sân trường và các phòng học với kinh phí hơn 780 triệu đồng. Không chỉ vậy trường còn được xây dựng mới thêm một số phòng chức năng như phòng lab, phòng âm nhạc… với kinh phí hơn 9,5 tỉ đồng vào giai đoạn 2020-2022”.

Thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, áp lực sĩ số... luôn là nỗi lo canh cánh của nhiều trường ngay khi chưa bắt đầu năm học mới. Để khắc phục khó khăn trước mắt, nhiều trường đã linh động áp dụng nhiều cách để học sinh học tập tốt. Theo số liệu thống kê, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2019-2020, các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành phố, đã tiến hành sửa chữa 1032 phòng học, 305 phòng chức năng; xây dựng mới 69 phòng học, 31 phòng chức năng với tổng kinh phí hơn 33,48 tỉ đồng. Đối với các trường THPT trực thuộc, tổng số sửa chữa là 100 phòng học, 20 phòng chức năng; xây dựng mới 5 phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ được nâng cấp sửa chữa, tổng kinh phí là 11,1 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Giải pháp của ngành là tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các trường mầm non, phổ thông, trên cơ sở đó xác định đề xuất nội dung ưu tiên, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Riêng về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, để đảm bảo có giáo viên đứng lớp, đảm bảo tốt công tác giảng dạy trong năm học mới, ngành đã chủ động xin ý kiến của cấp có thẩm quyền cho phép hợp đồng giáo viên, nhân viên“.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tiến hành rà soát, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Sau khi điều động giáo viên, ngành giáo dục đã tiến hành xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức để bổ sung giáo viên cho ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch và thực hiện quy trình tuyển bổ sung 29 biên chế viên chức (28 giáo viên, 1 nhân viên), các huyện đã thực hiện việc xây dựng Kế hoạch tuyển dụng chờ phê duyệt của Sở Nội vụ để bổ sung biên chế cho ngành.

Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Trường thừa 2 giáo viên, Phòng giáo dục và đào tạo huyện vừa có buổi họp và đã điều động giáo viên dạy tiến Anh của trường sang công tác tại Trường THCS Trường Long Tây. Hiện giáo viên dạy môn hóa sẽ ở lại trường đảm nhận thêm công tác tại thư viện, thiết bị trường học”.  

Tuy vẫn còn đó những khó khăn, nhưng với sự chủ động trong từng công việc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, những khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra trong năm học 2019-2020.

Thiếu 877 giáo viên mầm non, mẫu giáo

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh huy động trẻ, học sinh cấp học mầm non đến THPT là 159.793/158.779 (đạt tỷ lệ 100,63%), tăng hơn 1.014 học sinh so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tiểu học huy động 68.630/65.000 học sinh, đạt tỷ lệ 106%; THCS huy động 46.776/44.000 học sinh, đạt tỷ lệ 106%; THPT huy động 20.802/19.000 học sinh, đạt tỷ lệ 109%. Toàn ngành giáo dục hiện thiếu hơn 1.340 giáo viên. Trong đó, thiếu nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo thiếu 877 giáo viên; kế đến là cấp tiểu học, thiếu 295 giáo viên; THCS thiếu 72 giáo viên, cấp THPT thiếu 99 giáo viên.

 
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu