Chủ nhật, 04/04/2021,08:01 (GMT+7)
Góp phần rút ngắn khoảng cách chuyên môn trong khám, chữa bệnh
Sau một thời gian triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, nhiều ca bệnh nặng ở tuyến dưới đã được các chuyên gia công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương tư vấn, hỗ trợ xử trí, hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa y tế tuyến trên và tuyến dưới, giảm chi phí cho người bệnh.
Y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn trực tuyến với các cơ sở y tế tuyến dưới.
 
Mặc dù chưa đến giờ làm việc, nhưng các y, bác sĩ đã tập trung đầy đủ tại hội trường Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) để tham gia buổi sinh hoạt khoa học, với chuyên đề “Nhiễm khuẩn tiết niệu, nguyên tắc điều trị” và hội chẩn trực tuyến ca lâm sàng do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của 47 điểm, trong đó có hai điểm cầu từ Bệnh viện đa khoa Hà Nội - Viêng Chăn (Lào), Biomedic Center (Cam-pu-chia). PGS, TS Trần Ngọc Ánh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Những buổi sinh hoạt khoa học theo chuyên đề và hội chẩn trực tuyến ca lâm sàng nằm trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ vào thứ ba và thứ năm hằng tuần. Mục đích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị người bệnh cho các y, bác sĩ ở các cơ sở y tế tuyến dưới. Nhờ các buổi sinh hoạt khoa học; các buổi tư vấn, hỗ trợ, đào tạo chuyên môn, hội chẩn trực tuyến mà có hàng trăm ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời và điều trị khỏi bệnh. Việc khám, chữa bệnh từ xa, cũng góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 thời gian qua; đồng thời giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh và giảm chi phí trong thời gian chữa bệnh.
 
Để thực hiện tốt các buổi hội chẩn lâm sàng, Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ bệnh án của người bệnh từ các địa phương gửi về. Trên những thông số, chỉ số của người bệnh đang điều trị tại địa phương, các y, bác sĩ tham gia hội chẩn sẽ cùng đội ngũ đang trực tiếp điều trị tại tuyến dưới phân tích, đánh giá và thống nhất phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. Kể từ khi triển khai các hoạt động nêu trên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện được tổng số 141 buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề; 597 lượt hội chẩn trực tuyến, với sự tham gia của 91 bệnh viện trong nước và nước ngoài. 
 
Cũng như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư… cũng tích cực triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa tại đơn vị, qua đó đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới những chẩn đoán đúng hướng và xử trí kịp thời nhiều ca bệnh nặng ngay tại đơn vị mình. Mới đây, tại buổi hội chẩn do Bệnh viện Nhi T.Ư tổ chức, ca bệnh được xin ý kiến là trường hợp bệnh nhi mới sinh đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An (tỉnh Nghệ An) với tình trạng bệnh lý co giật kéo dài. Từ đầu cầu Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, các bác sĩ đã gửi các hình ảnh chụp cắt lớp, các chỉ số cận lâm sàng, xét nghiệm, hóa sinh, các thuốc đã điều trị và cung cấp vi-đê-ô quay lại các cơn co giật của trẻ để các chuyên gia hồi sức sơ sinh, thần kinh, nội tiết chuyển hóa, chẩn đoán hình ảnh… đang làm việc tại Bệnh viện Nhi T.Ư theo dõi và cho ý kiến. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư giải đáp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tự tin trong bổ sung can-xi liều cao cho người bệnh; đồng thời  các y, bác sĩ của bệnh viện cũng được tư vấn việc chọn lựa đường tiêm tĩnh mạch; liều lượng dùng thuốc cho bệnh nhi. Theo TS, BS chuyên khoa II Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: qua hội chẩn, các cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện đã được tư vấn, giải đáp, góp ý chuyên môn hiệu quả, thiết thực đối với người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật chuyên môn sâu từ các bệnh viện tuyến trên trong điều kiện nguồn nhân lực của bệnh viện còn hạn chế như hiện nay.
 
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh đa dạng của các bệnh  viện  hiện nay. Đây cũng là bước triển khai thiết thực chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ; đồng thời giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân nhanh, hiệu quả, an toàn hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ hỗ trợ tới tuyến huyện, tuyến xã để người dân được hưởng những dịch vụ y tế và được chẩn đoán tốt hơn. Ngành y tế tiếp tục tập trung, phát triển các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác trong nước và nước ngoài thông qua các buổi hội chẩn, đào tạo từ xa, góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân khu vực nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh.
 
THÁI SƠN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu