Thứ hai, 13/01/2020,07:32 (GMT+7)
Hà Nội xây dựng nền tảng cho du lịch thông minh
Thời gian gần đây, xu hướng tham khảo thông tin, “du lịch thử”, đặt các dịch vụ du lịch… thông qua trang web hay các phần mềm ứng dụng ngày một phát triển. Đón đầu xu thế mới này, Hà Nội đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho du lịch thông minh, bao gồm cổng thông tin du lịch chung của thành phố, các phần mềm, trang thông tin của các khu, điểm du lịch với rất nhiều tiện ích, cung cấp hệ thống wifi miễn phí tại các điểm du lịch… để hướng đến mục tiêu đón 32 triệu lượt khách trong năm 2020.
Hà Nội xây dựng nền tảng cho du lịch thông minh
Khách du lịch tìm hiểu làng gốm Bát Tràng qua hệ thống du lịch thông minh.
 
Cung cấp mọi tiện ích
 
Bát Tràng là làng gốm nổi tiếng của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 10 km. Thế nhưng bây giờ, từ bất cứ địa điểm nào, chỉ với máy tính hoặc điện thoại thông minh nối mạng, người ta có thể “du lịch thử” làng gốm khi truy cập cổng thông tin www.battrangtour.net. Việc trải nghiệm, khám phá còn thuận tiện hơn nếu sử dụng điện thoại di động và tải ứng dụng BatTrang travel. Tất cả những gì khách du lịch cần khi khám phá làng gốm đều có trên ứng dụng như: Lịch sử, giá trị của gốm Bát Tràng, địa chỉ tham quan, những nghệ nhân nổi tiếng, những cửa hàng gốm chất lượng hay dịch vụ ẩm thực… Tuy nhiên, nếu chỉ cung cấp những thông tin này thì đã có nhiều trang thông tin thực hiện. Cổng thông tin hay ứng dụng còn đưa ra rất nhiều chỉ dẫn tiện ích cho khách như: Phương tiện di chuyển đến Bát Tràng, kinh nghiệm khi mua đồ gốm, bản đồ du lịch…; ứng dụng cũng hướng dẫn khách có thể tự thiết kế tua tham quan Bát Tràng tùy thuộc vào thời gian của mọi người. Bát Tràng còn có Trung tâm Thông tin du lịch để hỗ trợ khách khi cần.
 
Chúng tôi đã gặp một nhóm khách hàng đang tham quan khu lò bầu cổ của làng gốm. Chị Phạm Thanh Thủy, du khách từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi muốn tự khám phá làng cổ chứ không đi theo tua. Chỉ mất khoảng mười phút xem ứng dụng trên điện thoại, chúng tôi đã biết mình nên đến điểm tham quan nào, nên mua sản phẩm gì. Chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị ở làng gốm”. Nói về quá trình xây dựng hệ thống du lịch thông minh ở Bát Tràng, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Huy Khôi cho biết: “Việc phát triển du lịch thông minh nhằm tạo những tiện ích tốt nhất cho khách du lịch, qua đó, phát triển du lịch làng nghề, cho nên được các doanh nghiệp, hộ gia đình làm gốm rất ủng hộ.
 
Toàn bộ 40 tỷ đồng tiền vốn cho phát triển du lịch thông minh đều do các doanh nghiệp đóng góp. Hiện chúng tôi đang cập nhật thêm ứng dụng thuê xe đạp, xe điện để phục vụ khách”.
 
Công nghệ đang thâm nhập ngày một sâu hơn vào cuộc sống và du lịch là một trong những lĩnh vực có lợi thế lớn trong ứng dụng công nghệ. Phát triển du lịch thông minh thực chất là ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, cung cấp các dịch vụ và các tiện ích cho khách hàng. Đón đầu xu thế này, Hà Nội đã đầu tư bài bản phát triển du lịch thông minh bằng việc xây dựng một cổng thông tin chung cho du lịch Thủ đô với tên miền https://sodulich.hanoi.gov.vn (hoặc ứng dụng cho điện thoại thông minh là: Visit Hanoi). Cổng thông tin cung cấp mọi thông tin nền tảng từ điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, trung tâm mua sắm... Trong đó, thông tin mỗi địa điểm du lịch, từ di tích, di sản, làng nghề, hay du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… đều được chuẩn hóa. Cổng thông tin cũng hướng dẫn khách du lịch các thủ tục nhập cảnh, phương tiện di chuyển, gợi ý các tua du lịch, hoạt động hỗ trợ du khách, doanh nghiệp du lịch… Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết: “Du lịch thông minh đem lại nhiều dịch vụ và tiện ích cho khách hàng. Điều này thấy rõ qua hoạt động của các trang web, cổng thông tin hay ứng dụng. Du lịch thông minh giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong quản lý, nắm bắt nhu cầu của khách. Từ đó, có những điều chỉnh việc quảng bá, xây dựng sản phẩm phù hợp. Song song với cổng thông tin chung, thành phố khuyến khích các đơn vị, địa phương phát triển du lịch thông minh, để giới thiệu thế mạnh của đơn vị, địa phương mình”.
 
Hiện tại, hàng loạt khu du lịch lớn của Hà Nội đã xây dựng cổng thông tin du lịch hoặc ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Với sự thay đổi về “chất” so với các trang thông tin du lịch trước đây. Đó là đặt khách du lịch làm trung tâm, giúp khách “du lịch thử” thông qua các trải nghiệm, chú trọng mọi hoạt động có thể có của khách trong hành trình để đưa ra những hướng dẫn, gợi ý hữu ích. Nhiều đơn vị đã ứng dụng, phát triển du lịch thông minh ở các mức độ khác nhau như: Quận Hoàn Kiếm, Làng cổ Đường Lâm, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò… Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch khi sử dụng các tiện ích du lịch thông minh, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp VNPT Hà Nội lắp đặt wifi miễn phí tại 60 điểm du lịch quan trọng. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 500 nghìn lượt khách truy cập wifi miễn phí.
 
Đáp ứng xu thế của tương lai
 
Hai năm 2018 và 2019 đánh dấu sự bùng nổ của du lịch trực tuyến. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, nếu năm 2015, tỷ lệ đặt tua truyền thống (thông qua các doanh nghiệp lữ hành) chiếm 82%, thì hiện nay, con số này chỉ còn 30%. 70% còn lại là theo hình thức du lịch tự túc. Còn theo khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội, 75% số khách du lịch đến Hà Nội bằng con đường tự túc. Xu hướng này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Khi tổ chức du lịch tự túc, khách sẽ tự thiết kế tua, chỗ lưu trú, điểm tham quan, trải nghiệm…, khi đó, nhu cầu của khách tìm đến các cổng thông tin, ứng dụng hỗ trợ du lịch ngày một cao hơn. Các cổng thông tin, ứng dụng du lịch đóng vai trò như một “hướng dẫn viên ảo”. Ứng dụng Hanoi old quarter (Phố cổ Hà Nội) có thể coi là một thí dụ điển hình. Việc cung cấp mọi tiện ích tưởng đơn giản nhưng lại cần thiết như: Địa điểm đặt cây ATM, nhà vệ sinh công cộng, trụ sở công an phường, trung tâm y tế… khiến ứng dụng này đáp ứng những nhu cầu dù nhỏ nhất của khách.
 
Hà Nội có thị trường du lịch ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn năm gần đây, lượng khách nước ngoài luôn tăng cao, từ 16 đến 20%/năm. Điều này tạo áp lực rất lớn về công tác quản lý, cũng như nhân lực trong ngành du lịch. “Ngoài việc thiếu nhân lực nói chung, một vấn đề nữa là có khách du lịch sử dụng những ngôn ngữ không phổ biến. Đào tạo đủ hướng dẫn viên phục vụ nhu cầu thị trường như vậy là điều không thể. Những vấn đề này chỉ có thể tìm lời giải từ du lịch thông minh”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết thêm. Đây là lý do Hà Nội tiếp tục nâng cấp cổng thông tin, ứng dụng du lịch của thành phố. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp tiện ích cho khách, một trọng tâm là xây dựng hệ thống dữ liệu cho 300 điểm du lịch trên địa bàn. Hệ thống này được các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực chỉnh sửa để chuẩn hóa và dịch sang tám thứ tiếng khác nhau. Cổng thông tin, ứng dụng du lịch sẽ được phát triển thành cổng thông tin đa phương tiện, để khách có thể xem, nghe, đọc. Khi đó sẽ trở thành một “hướng dẫn viên ảo” đa năng, đa ngôn ngữ, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn.Việc phát triển du lịch thông minh được tiến hành đồng bộ với nâng cao chất lượng điểm đến, hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong năm 2020, Hà Nội tổ chức Giải đua xe Công thức 1, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, du lịch Hà Nội phấn đấu đón 32 triệu khách du lịch, trong đó có 8,22 triệu khách quốc tế.
 
Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế nhất định trong phát triển du lịch thông minh. Một số ứng dụng xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chưa hấp dẫn, bố cục ứng dụng chưa thuận tiện. Một số cổng thông tin còn chưa liên kết với các cổng thông tin về du lịch khác... Chưa kể, một số cổng thông tin, ứng dụng du lịch còn trùng lặp, gây lãng phí. Những bất cập này cần sớm được khắc phục để du lịch thông minh thật sự trở thành người “hướng dẫn viên” tận tình với khách du lịch khi đến Thủ đô.
 
BÀI VÀ ẢNH: GIANG NAM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu