Thứ ba, 29/10/2019,07:54 (GMT+7)
Hà Trung (Thanh Hóa): Ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng cát nhân tạo (cát nghiền) cho các công trình xây dựng, ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất loại vật liệu này là những biện pháp của huyện Hà Trung nhằm hạn chế sử dụng cát tự nhiên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 36 đơn vị khai thác cát tự nhiên, với tổng công suất 740.869 m3/năm và 3 đơn vị sản xuất cát nghiền từ đá, tổng công suất đạt 380.000 m3/năm đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.

Những năm gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có nhiều văn bản chỉ đạo ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng và có những chính sách ưu đãi, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất loại vật liệu này. Cụ thể, trong năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao UBND các huyện Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn và các chủ đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn khác trên địa bàn huyện Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn (địa bàn không có mỏ cát tự nhiên) ưu tiên sử dụng cát nghiền từ đá của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hà Trung cho biết: Sau khi có văn bản của UBND tỉnh, huyện Hà Trung đã tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ đầu tư thực hiện tốt việc sử dụng cát nghiền, đặc biệt là đối với những công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp cát nhân tạo đang còn hạn chế, giá thành còn tương đối cao so với cát tự nhiên và một số hạng mục xây, trát chưa phù hợp với loại vật liệu này vì thành phần hạt lớn.

Huyện cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền, nếu doanh nghiệp nào đầu tư thì huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vì khi có doanh nghiệp sản xuất được loại vật liệu này tại địa phương thì giá thành sẽ thấp hơn so với việc mua từ nơi khác.

Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, không sử dụng cát, sỏi tự nhiên để san lấp mặt bằng công trình, đắp đường giao thông (trừ cát nhiễm mặn). Các đơn vị khai thác cát không được cung cấp cát cho mục đích san lấp công trình.

Khuyến khích việc sử dụng cát nghiền từ đá để sản xuất bê tông và vữa (nếu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); khuyến khích sử dụng phế thải tro, xỉ từ các dự án sản xuất công nghiệp để san lấp mặt bằng (nếu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật).

Hà Chi - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu