Một vạt rừng Amazon bị “xóa sổ”. Ảnh: Climate Action
“Lá phổi xanh” loang lổ
Phá rừng tiếp tục là vấn nạn nhức nhối tại Brazil khi trong năm 2020, quốc gia Nam Mỹ này chứng kiến hoạt động tàn phá rừng Amazon tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất trong 12 năm qua. Theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE), hơn 11.000km² rừng của nước này đã bị phá hủy trong vòng 12 tháng, lớn hơn cả diện tích Jamaica.
Ðược ví như “lá phổi xanh” của Trái đất và là “nguồn sống” cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km², trong đó 60% nằm trong lãnh thổ Brazil.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự khai thác vô trách nhiệm của con người mà rừng Amazon còn bị hủy hoại bởi thời tiết cực đoan. Theo INPE, số vụ cháy rừng Amazon chỉ riêng trong 10 tháng năm 2020 là gần 94.000 vụ, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức cao nhất trong thập kỷ qua. Ðáng lo ngại, số vụ cháy rừng tại vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới Pantanal trong năm ngoái đạt mức cao nhất kể từ năm 1998, phá hủy 23% diện tích khu vực bảo tồn rộng 188.000km² này.
“Bà hỏa” cũng hoành hành tại Úc, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong thập kỷ qua ở xứ chuột túi hồi năm ngoái đã tàn phá hơn 115.000km2 rừng và thảm thực vật, phát thải ra 349 triệu tấn carbon dioxide (CO2), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Tại Mỹ, chỉ riêng ở bang California trong thời gian này đã xảy ra hơn 8.000 đám cháy, thiêu rụi trên 16.000km2 rừng.
Quả địa cầu “bốc khói”
Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo, nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 2020-2024 tăng trên 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, bởi lượng CO2 và khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác ngày càng tăng.
Nhiệt độ tăng khiến nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản trong năm 2020 trải qua đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là khu vực miền Trung có lúc nhiệt độ đạt mức hơn 41 độ C, làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người phải nhập viện.
Tương tự, Ấn Ðộ cũng hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội với nhiệt độ tại nhiều khu vực lên tới 50 độ C. Trong đó, Thủ đô New Delhi trải qua mùa nóng tồi tệ nhất trong vòng gần 20 năm qua.
Còn tại Pháp, hơn một nửa số địa phương phải đưa ra mức cảnh báo cam, mức cảnh báo cao thứ hai, khi nhiệt độ đạt ngưỡng 40 độ C, gây ra đợt khô hạn nhất trong 6 thập kỷ qua.
Báo động tốc độ băng tan
Nhiệt độ tăng cao cũng khiến băng tan nhanh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, lượng băng tan chảy từ khối băng khổng lồ tại Greenland đang ở mức cao nhất trong 12.000 năm qua. Nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, khối băng lớn thứ hai thế giới và dày hàng kí-lô-mét ở Bắc Cực này sẽ mất đi 36.000 tỉ tấn băng trong giai đoạn 2000-2100, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 10cm.
Tình trạng băng tan với tốc độ chóng mặt cũng xảy ra ở Nam Cực, nơi có dải băng lớn nhất hành tinh. Khảo sát gần đây cho thấy vùng đất băng giá này đang bị bào mòn với tốc độ gấp sáu lần so với 40 năm trước.
Nước biển dâng cao được dự báo sẽ ảnh hưởng tới hàng tỉ người trên Trái đất. Trước tình trạng cấp bách trên, một số quốc gia đã có những phương án “chẳng đặng đừng”, ví dụ như Indonesia dự chi gần 33 tỉ USD để dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Ðông Kalimantan.
Chung tay bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh như vậy, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã hối hả đặt mục tiêu cắt giảm khí thải. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) mới đây tuyên bố sẽ giảm ít nhất 60% lượng phát thải khí nhà kính tại khối gồm 27 quốc gia thành viên vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Nhật Bản thì cam kết thực hiện mục tiêu xã hội không than đá và carbon trung tính vào giữa thế kỷ này. Ðáng chú ý, Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nhắm tới mục tiêu carbon trung tính trước năm 2060.
Băng trên Trái đất đang tan với tốc độ chưa từng có. Ảnh: Flickr
Về phía doanh nghiệp, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos năm 2020 đã thành lập Quỹ Trái đất trị giá 10 tỉ USD để góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tỉ phú Bezos là chủ tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon, nơi phát thải hơn 50 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Trước đó, tỉ phú giàu thứ hai thế giới Bill Gates, người dự đoán trong vài thập niên tới sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng môi trường với hậu quả vượt quá thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, đã đóng góp 2 tỉ USD cho công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Một tin mừng nữa là tân Tổng thống Joe Biden quyết định đưa Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời thiết lập chức danh Ðặc phái viên của tổng thống về vấn đề khí hậu do cựu Ngoại trưởng John Kerry đảm nhận. Ðược biết, ông Kerry là một trong những “kiến trúc sư” chính của Hiệp định Paris.
New Zealand vào cuối năm 2020 trở thành thành viên mới nhất trong nhóm hơn 10 quốc gia và khoảng 1.800 chính quyền cấp địa phương trên toàn thế giới thông qua tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Tổ chức Climate Mobilisation, vốn chuyên vận động các quốc gia và khu vực đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cho rằng đây là bước đi quan trọng đầu tiên giúp nâng cao nhận thức về quy mô tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy hành động nhằm đảo ngược tình trạng ấm lên toàn cầu.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)