Thứ năm, 23/03/2023,09:09 (GMT+7)
Hãy trả lại tuổi hưu cho người lao động
Bạn đọc Báo Người Lao Động mong Quốc hội xem xét, bổ sung và ban hành luật BHXH phù hợp với điều kiện của người lao động ở từng ngành, nghề.
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
 
Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
 
Hãy trả lại tuổi hưu cho người lao động - Ảnh 1.
 
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Một bạn đọc Phong Trần nhận xét: "Chỉ có Báo Người Lao Động là hiểu và đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của người lao động". Bạn đọc Thảo Nguyên bày tỏ: "Không biết đến 62 tuổi có còn để được hưởng lương hưu hay không? Nếu không có cơ hội hưởng, sao không để lại con cháu họ được hưởng phần này?? Rồi số tiền đã đóng mấy chục năm qua sẽ về đâu?".
 
Tương tự, bạn đọc Lê Thái Sơn thắc mắc: Vấn đề là đóng hơn 20 năm BHXH mà đủ tuổi nghỉ hưu. Lỡ may mà đi sớm thì số tiền ấy ai được nhận tiếp. Và nhận được ở mức bao nhiêu. Ví dụ đóng hơn 20 năm với số tiền tổng các năm được 500 triệu. Mà mới lấy lương được 1-2 tháng thì sẽ giải quyết như thế nào. Không thấy cách giải thích từ BHXH về vấn đề này. Cũng vì nhiều vấn đề mà người lao động thấy thiệt thòi khi lấy lương hưu như trượt giá, rồi sau 60-62 tuổi chỉ cầm được đồng lương hưu vài ba năm là đăng xuất khỏi trái đất. Hoặc là cầm tiền đi nằm ở bệnh viện nhiều hơn là ở nhà nên NLĐ không mặn mà lắm với lương hưu. Nghe cái tuổi 60-62 nó quá xa vời".
 
Hãy trả lại tuổi hưu cho người lao động - Ảnh 2.
 
Bạn đọc Trần Hùng chia sẻ: "Phải trực tiếp tham gia sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp mới thấy vất vả, làm càng lâu lương trả càng cao, trong khi năng suất lao động không cao, chủ DN tìm cách đẩy. Sau 40 tuổi tìm việc đâu nữa?".
 
Một bạn đọc giấu tên bức xúc không kém: "Tôi 54 tuổi , đi làm công nhân từ lúc 18 tuổi, động BHXH được 36 năm, là người lao động trực tiếp, sức khỏe đã yếu, muốn nghỉ hưu mà chờ đến 62, đợi 8 năm nữa thì hỏi sống bằng cái gì?". Bạn đọc tên Tương góp ý: "Tuần làm việc đủ 6 ngày, ngày làm không dưới 8 giờ vì phải tăng ca, 1 năm làm việc nhiều hơn khối nhà nước ít nhất 52 ngày = 2 tháng, 30 năm = 60 tháng tương đương 5 năm. Vì vậy theo luật hiện tại nam 62, nữ 60 áp dụng đối với khối lao động làm việc 5 ngày/ tuần là phù hợp.
 
Với khối lao động làm việc 6 ngày/tuần nên giảm xuống 5 năm, nam 57, nữ 55. Rất mong quý nhà làm luật phân tích, nhìn nhận ở góc độ này vì thời gian làm việc quá nhiều, tuổi thọ cũng giảm theo, tuổi nghề lại ngắn nếu áp dụng chính sách giống nhau thì không phù hợp".
Từ những bất cập của Luật BHXH hiện hành cùng thực tiễn đời sống người lao động, bạn đọc Trần Thanh Lâm đề xuất: "Người đã tham gia BHXH bắt buộc đủ 35 năm, nên cho họ được chọn lựa nguyện vọng tiếp tục hoặc nghỉ việc mà không phải chờ đợi đúng tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Rất mong Chính phủ xem xét, bổ sung và ban hành luật BHXH phù hợp với điều kiện của người lao động như hiện nay".
 
Hãy trả lại tuổi hưu cho người lao động - Ảnh 3.
 
Theo nhiều bạn đọc, Luật BHXH nên sửa theo hướng lương hưu căn cứ vào số năm đóng BHXH. Áp dụng đa tầng không nên căn cứ vào tuổi hưu luật lao động sẽ bị khoảng trống làm khó người lao động. Bạn đọc Huỳnh An quả quyết: "Chỉ một cách duy nhất không rút BHXH 1 lần là giảm tuổi hưởng lương hưu thôi".
 
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Văn Chiến bày tỏ: " Nên giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động không phải là công chức và viên chức nhà nước là hợp lý, sẽ giải quyết được vấn đề, vì chỉ có người lao đồng không phải là công chức, viên chức mới rút BHXH.
 
Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định cụ thể cho người lao động khi đang chờ hưởng lương hưu mà qua đời, họ phải được trả lại y như những người rút BHXH1 lần, con cháu họ sẽ được hưởng thành quả lao động của cha mẹ mình, chứ như hiện tại thì quá thiệt thòi cho họ. Nhiều bạn đọc giấu tên đề Nghị Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam kiến nghị lên Quốc Hội sửa Luật BHXH lần này thì phải có tuổi nghỉ hưu hướng lương hưu đa tầng.
 
Người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước nam 55 tuổi nữ đủ 53 tuổi trở lên có thời gian đóng bảo BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi để hưởng lương hưu. Người lao động trực tiếp khó ai đợi chờ đến đến quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay nên họ chọn lựa rút BHXH một lần là lẽ đương nhiên.
 
Một bạn đọc giấu tên đặt vấn đề: "Vấn đề giảm tuối, đóng nhiều hưởng nhiều...tôi đã ý kiến nhiều rồi. Giờ xin hỏi nhà làm chính sách BHXH lý do giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để có lương hưu là tạo điều kiện cho người tham gia đóng BHXH muộn. Nghe thì rất là nhân văn nhưng ngược lại tại sao với những người tham gia sớm đã đóng đủ 20 năm thậm chí có người đóng 30 năm, 35 năm lại không được tạo điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu xuống để được lĩnh lương hưu. Tại sao người đóng ít đóng ngắn lại được tạo điều kiện, còn người đóng đủ đóng dư...đóng nhiều thì lại không được tạo điều kiện? Có một sự thiếu công bằng không hề nhẹ ở đây.
 
An Khánh ẢNH: HOÀNG TRIỀU (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu