Thứ sáu, 12/03/2021,07:12 (GMT+7)
Hiệu quả bước đầu mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 2 chợ được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao nhận thức của các hộ tiểu thương kinh doanh...
Mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai tại chợ Sa Đéc
 
Thời gian qua, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Đồng Tháp đã triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP tại 2 chợ là chợ tư nhân Mỹ Phú (TP.Cao Lãnh) và chợ Sa Đéc (TP.Sa Đéc). Mỗi chợ xây dựng mô hình thí điểm sẽ được hỗ trợ kinh phí 250 triệu đồng để đầu tư một số trang thiết bị như: phòng test nhanh ATTP; thùng rác có nắp đậy; tủ đựng thực phẩm đã chế biến; sọt đựng rau, củ, quả... Ngoài ra, tiểu thương của chợ cũng được tập huấn, phổ biến kiến thức về vệ sinh ATTP.
 
Việc triển khai mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân, nâng cao nhận thức của tiểu thương về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, để triển khai và góp phần thực hiện có hiệu quả mô hình này thì việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý của đơn vị khai thác và kinh doanh chợ đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
 
Là đơn vị đầu tiên của tỉnh được triển khai mô hình chợ đảm bảo tiêu chuẩn về ATTP, từ năm 2015 đến nay, chợ tư nhân Mỹ Phú (TP.Cao Lãnh), với hơn 140 hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống theo tiêu chí “Chợ văn minh và đảm bảo sức khỏe”.
 
Được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn, chợ tư nhân Mỹ Phú có những điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình này. Là một trong những tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ, bà Võ Thu Cúc - tiểu thương chợ Mỹ Phú cho biết: “Từ khi triển khai mô hình, tiểu thương chúng tôi đã nhận thức tốt hơn về việc mua bán hàng hóa tươi sống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này đã giúp tôi có thể giữ uy tín với khách hàng và kinh doanh lâu dài”.
 
Bà Trần Thị Tuyền - chủ đầu tư chợ tư nhân Mỹ Phú (TP.Cao Lãnh) cho hay: “Để triển khai mô hình thí điểm, thời gian qua, Ban Quản lý chợ có những quy định, nội quy sắp xếp, tuyên truyền vận động cho bà con, thậm chí đôi khi có những biện pháp chế tài nhằm hướng tiểu thương mua bán văn minh, đảm bảo tiêu chí về ATTP. Chợ cũng đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở kinh doanh thực phẩm và tổ chức quản lý chợ...”.
 
Còn tại TP.Sa Đéc, mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP được triển khai tại Khu ăn uống thuộc chợ Sa Đéc. Theo đó, khu vực chợ ăn uống có 26 điểm kinh doanh, tổng diện tích mặt bằng khu đất xây dựng chợ hơn 1.036m2, diện tích xây dựng nhà lồng chợ và các công trình phụ trợ khác là 216m2, diện tích sân bãi và đường giao thông khoảng 820,3m2.
 
Bà Ngô Thị Hồng Đào - tiểu thương chợ Sa Đéc cho biết: “Khi kinh doanh tại chợ, tôi luôn tự đề cao việc mình phải thể hiện thái độ văn minh đi đôi với lịch sự đối với khách hàng. Quan trọng hơn hết là thực phẩm bán phải đảm bảo an toàn với sức khỏe mọi người, phải tươi ngon, không bán đồ cũ, thực phẩm hư hỏng...”
 
Theo bà Lê Thị Hồng - Trưởng Ban Quản lý chợ Sa Đéc, từ khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại các quầy kinh doanh đã làm thay đổi nhận thức của tiểu thương và người sử dụng sản phẩm ăn uống - giải khát an toàn và hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, nhận thức của các tiểu thương kinh doanh được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, chợ cũng được trang bị quầy bán hàng khang trang, mới hoàn toàn 100%, tủ đựng thực phẩm được bảo quản tốt, đạt chất lượng, người bán mang tạp dề khi đứng phục vụ khách hàng... Qua đó, tạo kết quả tốt là tình hình mua bán doanh thu cao hơn khi chưa thực hiện mô hình...
 
Theo đánh giá của Sở Công Thương, chính nhờ triển khai những giải pháp trên nên thời gian qua, các chợ thí điểm đã bố trí, sắp xếp được các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn, tiêu dùng những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, góp phần đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường. Điều này cũng góp phần thúc đẩy thiết lập, hình thành các chuỗi “sản xuất - chế biến - tiêu thụ” thực phẩm sạch, an toàn, ổn định bền vững, trong đó các chợ trên địa bàn tỉnh là kênh phân phối, tiêu thụ hiệu quả của chuỗi.
 
Xây dựng thành công mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP là điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại vì trên thực tế các chợ truyền thống còn nhiều bất cập về vệ sinh ATTP; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị quản lý chợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực...
 
Thời gian tới, ngành công thương sẽ đẩy mạnh thực hiện nhân rộng mô hình thí điểm chợ ATTP tại các địa phương trong tỉnh như: TP.Hồng Ngự, các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Châu Thành, Lấp Vò... Ngoài ra, ngành công thương cũng tập trung vào các giải pháp tổ chức phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; thông tin về xử lý vi phạm ATTP của các cơ quan chức năng trong tỉnh; phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cho các đối tượng có liên quan...
 
Sở Công Thương cũng triển khai việc quy hoạch khu vực nuôi, trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm vệ sinh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất nông sản quy mô lớn theo hướng tập trung, hiện đại để doanh nghiệp có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và bảo đảm ATTP...
 
Trang Huỳnh - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu