Thứ hai, 13/07/2020,10:19 (GMT+7)
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 93.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên toàn tỉnh được vay vốn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Mô hình nuôi rắn và cua đinh của nhà ông Danh Hồng Xuân đang cho hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cho biết: Kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kế hoạch tín dụng, chi nhánh được Tổng giám đốc NHCSXH giao tăng trưởng 157 tỉ đồng. Đến ngày 30-6-2020, chi nhánh đã giải ngân đến đối tượng thụ hưởng được 127 tỉ đồng, đạt 80,4%, số còn phải thực hiện 30 tỉ đồng (trong đó chủ yếu là chương trình nhà cho người nghèo theo Quyết định 33 là 10 tỉ đồng; hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là 12,7 tỉ đồng).
 
Một số chương trình tín dụng có dư nợ tăng so với đầu năm là hộ mới thoát nghèo tăng 52 tỉ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường tăng 28 tỉ đồng, nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ tăng 23,2 tỉ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 14,2 tỉ đồng và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng 13,7 tỉ đồng.
 
Theo NHCSXH tỉnh, khi có nguồn vốn, chi nhánh tập trung giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được phân bổ. Đồng thời, thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt quan tâm đối với những đơn vị có chất lượng tín dụng chưa ổn định, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức. Từ đó, nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, góp phần cho hộ vay nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Thời gian qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo có cuộc sống ổn định. Ông Danh Hồng Xuân, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Nhờ chính quyền địa phương, NHCSXH giúp đỡ, hỗ trợ để gia đình tôi được vay vốn chăn nuôi, nâng cao được đời sống. Với số vốn vay 30 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư xây chuồng và mua 10 cua đinh và 250 con rắn ri voi về nuôi, đến nay cua đinh nuôi được 2 năm và rắn gần 2 năm. Vừa qua, tôi đã cho rắn sinh sản, bán 2 đợt được 14 triệu đồng. Hiện tại, khách hàng đã đặt mua 1.000 con rắn con, tôi đang đợi đợt này rắn sinh sản để giao cho khách, với giá 50.000 đồng/con”. Theo ông Xuân, so với các loại vật khác, cua đinh và rắn ri voi ít dịch bệnh, đầu ra ổn định, do đó gia đình muốn nâng nguồn vốn vay thêm nữa để đầu tư thêm chuồng, mở rộng diện tích nuôi nuôi cua đinh sinh sản.
 
Mục tiêu phấn đấu của ấp Thạnh Trung trong năm 2020 là thoát 1 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Để giúp mục tiêu này hoàn thành, ông Danh Thắm, Trưởng ấp Thạnh Trung, cho biết: Toàn ấp có 405 hộ dân, trong đó trên 50% là hộ người đồng bào dân tộc Khmer. Hiện tại, toàn ấp còn 16 hộ nghèo và 44 hộ cận nghèo. Hầu hết các hộ đều được tiếp cận với nguồn vốn của NHCSXH, từ nguồn vốn cho vay đã giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay đem lại, điển hình như mô hình của anh Danh Hồng Xuân. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn ấp Thạnh Trung. Tuy nhiên, để giúp cho hộ có đủ điều kiện phát triển mô hình làm ăn hiệu quả, đề nghị cấp lãnh đạo, NHCSXH tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho hộ được vay nâng thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô nuôi, trồng, cũng như giúp cho ấp hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
 
Bà Trần Ngọc Trang, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Toàn huyện có trên 14.000 khách hàng còn dư nợ, với trên 373 tỉ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay trên địa bàn huyện Vị Thủy trên 55 tỉ đồng. Nguồn vốn được phân bổ từ đầu năm đến nay đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đối với 2 chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có nhu cầu cao nhất.
 
Cụ thể, một số ấp thuộc vùng sâu, vùng xa ở các xã Vị Đông, Vị Bình, Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, vấn đề nước sạch sinh hoạt rất bức thiết, người dân có nhu cầu cần vay vốn để thực hiện các công trình về nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như: nuôi bò, nuôi ba ba, trồng sầu riêng, trồng tiêu… mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế bền vững từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thì vẫn đang thiếu vốn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH, để giải quyết nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đến cuối năm, NHCHXH đề xuất Trung ương phân bổ thêm 150 tỉ đồng. Với nguồn vốn được phân bổ, NHCSXH tập trung cho vay vào các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ việc làm và duy trì việc làm, cho vay nhà ở xã hội, hộ sản xuất vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, từ nguồn vốn thu hồi các chương trình sẽ tiếp tục cho vay xoay vòng và nâng mức cho vay đối với những mô hình làm ăn hiệu quả.
 
Đến cuối tháng 6-2020, tổng nguồn vốn NHCSXH đạt trên 2.530 tỉ đồng, tăng 122,7 tỉ đồng, tăng 5,1% so đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 1.991 tỉ đồng (chiếm 78,7%); nguồn vốn huy động tại địa phương trên 436 tỉ đồng (chiếm 17,2% tổng nguồn vốn), tăng 13,9 tỉ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương là 103,3 tỉ đồng (chiếm 4,1% tổng nguồn vốn), tăng 51,5 tỉ đồng so với đầu năm, hoàn thành 515% chỉ tiêu Trung ương giao.
Bài, ảnh: T.XOÀN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu