Chủ nhật, 21/02/2021,07:52 (GMT+7)
Hỗ trợ thiết lập ổn định ở CH Trung Phi
Chính phủ Cộng hòa (CH) Trung Phi vừa quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm sáu tháng để đối phó các nhóm nổi dậy. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các bên giải quyết sự khác biệt thông qua đối thoại, nhằm chấm dứt bạo lực đang nhấn chìm quốc gia châu Phi vào cuộc khủng hoảng kéo dài.
Người dân CH Trung Phi chạy nạn sang nước láng giềng. Ảnh UN
 
Căng thẳng tại CH Trung Phi nổi lên kể từ cuộc nổi dậy năm 2013 lật đổ tổng thống khi đó là ông Ph.Bô-di-dê và tiếp tục bị đẩy lên cao hơn sau khi các phần tử nổi dậy tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử hồi cuối năm 2020 với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Ph.Tu-a-đê-ra. Quốc gia này bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực khi Chính phủ của Tổng thống Tu-a-đê-ra chỉ kiểm soát khoảng một phần ba lãnh thổ, trong khi các nhóm vũ trang nổi dậy kiểm soát phần còn lại. Lực lượng gồm sáu nhóm vũ trang nổi dậy mạnh nhất ở CH Trung Phi từng bị cáo buộc có âm mưu đảo chính sau khi tiến hành các cuộc tiến công nhằm cản trở cuộc bầu cử tổng thống. Liên minh các nhóm vũ trang liên tiếp mở các cuộc tiến công nhằm vào những thị trấn cách xa thủ đô Ban-ghi và chiếm giữ thành phố Bang-ga-xu, cách thủ đô khoảng 750 km về phía đông. Bạo loạn đã khiến hơn 200 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và gần một nửa trong số này đã tràn sang nước láng giềng CHDC Công-gô. Trước thực trạng này, LHQ, Nga và Ru-an-đa đã hỗ trợ quân đội Trung Phi đối phó những phần tử nổi dậy. Theo Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại CH Trung Phi (MINUSCA), căng thẳng luôn tiềm ẩn trên khắp đất nước này.
 
CH Trung Phi áp đặt tình trạng khẩn cấp lần đầu vào ngày 21-1 vừa qua, theo đó cho phép quân đội bắt giữ các nghi phạm gây bất ổn mà không cần thông qua công tố viên. Quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp được đưa ra trong bối cảnh chính trường CH Trung Phi diễn biến phức tạp, khi Tòa án Hiến pháp tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử cơ quan lập pháp tại 13 khu vực bầu cử, viện dẫn những sai phạm trong vòng 1 của cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Theo Chánh án Tòa án Hiến pháp, tình trạng thao túng phiếu bầu và bạo lực đã xảy ra tại nhiều điểm bầu cử, ảnh hưởng đến tính xác thực của cuộc bỏ phiếu, do đó 13 khu vực này cần tiến hành bỏ phiếu lại. Trong khi đó, kết quả bầu cử tại 58 khu vực khác, quyết định 140 ghế tại cơ quan lập pháp, vẫn chưa rõ ràng do không thể tiến hành được bỏ phiếu vì an ninh bất ổn. Tòa chỉ mới công nhận kết quả bầu cử vòng 1 tại 22 khu vực, trong đó có năm khu vực xác nhận Tổng thống đương nhiệm Tu-a-đê-ra giành thắng lợi. Ðến nay có hàng trăm nghìn phiếu chưa được kiểm, nhất là tại các khu vực do phiến quân kiểm soát. Thời điểm tổ chức bầu cử vòng 2 chưa được xác định, song theo Hiến pháp của CH Trung Phi, Quốc hội mới phải nhậm chức muộn nhất là ngày 2-5 tới. Cơ quan bầu cử quốc gia Trung Phi khẳng định, vòng 1 và vòng 2 cuộc bầu cử sẽ được tổ chức tại tất cả các khu vực, bất luận khu vực đó đã bỏ phiếu vòng 1 hay chưa hoặc kết quả có bị thay đổi hay không.
 
Trong khi đó, tại cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, ông Tu-a-đê-ra tuyên bố giành chiến thắng với 53,16% số phiếu ủng hộ, tuy nhiên phe đối lập cho rằng, ông chỉ đạt được 35,25%. Sau khi Tòa án Hiến pháp thông báo công nhận kết quả bầu cử tổng thống, bạo lực đã tiếp diễn, trong đó có các vụ tiến công nhằm vào lực lượng vũ trang CH Trung Phi, lực lượng gìn giữ hòa bình và nhân viên của LHQ, gây cản trở các hoạt động kinh tế, nhân đạo và ảnh hưởng cuộc sống của dân thường ở nhiều khu vực.
 
Trước diễn biến phức tạp tại CH Trung Phi, đại diện của Tổng Thư ký LHQ kêu gọi Hội đồng Bảo an hỗ trợ về nhân sự và nguồn lực để bảo đảm hoạt động của MINUSCA, giúp CH Trung Phi ứng phó các thách thức an ninh. Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên ở quốc gia châu Phi tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp về kết quả bầu cử, thúc đẩy đối thoại, chấm dứt xung đột, tiến tới thiết lập sự ổn định lâu dài.
 
Thanh Hải - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu