Thứ hai, 03/08/2020,09:02 (GMT+7)
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh
Trong 5 năm qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh đến năm 2020”, nhất là trong việc kiến tạo môi trường khởi nghiệp (KN), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. DN tỉnh đã không ngừng phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
 
Doanh nghiệp Bến Tre tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: C.Trúc
Doanh nghiệp Bến Tre tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: C.Trúc
 
Nâng chất doanh nghiệp
 
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh, tính đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có 1.523 đơn vị trực thuộc và 2.302 DN thành lập mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 1.500 DN). Trong đó, có 341 hộ kinh doanh chuyển lên DN (đạt 52,5%), 321 DN KN (đạt 64,2%), hơn 2.000 hộ cá thể thành lập mới… Lũy kế đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 4.709 DN, 50.457 hộ kinh doanh. Bình quân khoảng 300 người dân/DN, giải quyết việc làm cho hơn 79 ngàn lao động.
 
Ngày càng nhiều DN có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao trên nhiều lĩnh vực (chế biến dừa, chế biến nông - thủy sản, xuất khẩu trái cây tươi...) tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU... DN trong tỉnh ngày càng chú trọng hơn đến việc quản trị, đào tạo và nâng cao chất lượng lao động, nhất là về kỹ năng, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Số lượng DN quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường ngày càng tăng. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chiếm 84%. Công tác hỗ trợ DN vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế như: các chương trình, chính sách hỗ trợ DN chưa tạo được động lực thúc đẩy DN phát triển; giải quyết thủ tục hành chính cho DN ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức và còn nhiều địa phương chưa làm tốt việc theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra... vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Đầu tư cho KHCN bình quân chiếm 0,25% ngân sách. Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm KHCN, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm mới, năng suất cao, chất lượng bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
Hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN được quan tâm, xem là nền tảng để phát triển bền vững và gia tăng năng suất, chất lượng. Trong 5 năm qua, có hơn 70 lượt DN được tư vấn về sở hữu công nghiệp, quản trị tài sản trí tuệ; hướng dẫn 26 cơ sở và DN về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm. Hàng năm, tỉnh đều tiến hành khảo sát, ươm tạo những DN tiềm năng trở thành DN KHCN. Lũy kế đến nay, có 6 DN KHCN.
 
Cải thiện môi trường đầu tư
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình hành động, nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.
 
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm dừa Bến Tre thương hiệu Coboté. Ảnh: Quốc Thi
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm dừa Bến Tre thương hiệu Coboté. Ảnh: Quốc Thi
 
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, với quyết tâm của bộ máy chính quyền, cùng sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng DN trong tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành khá - tốt (năm 2016 xếp hạng 12, năm 2017 xếp hạng 5, năm 2018 hạng 4; 2019 hạng 7).
 
Bến Tre được xem là
một trong những địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái KN, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động KN thông qua Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi KN và phát triển DN tỉnh. Với mục tiêu khơi dậy tinh thần lập nghiệp, KN, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho KN và phát triển DN, thu hút đầu tư.
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và giới thiệu tiếp cận các chính sách ưu đãi để DN biết và tiếp cận, không phân biệt loại hình, quy mô. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xây dựng danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh luôn thực hiện tốt việc công bố rộng rãi “đường dây nóng”, email tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để người dân và DN biết và kịp thời phản ánh các bức xúc, khó khăn và những trường hợp nhũng nhiễu đến lãnh đạo và các cơ quan phòng chống tham nhũng của tỉnh.
 
Kết quả nổi bật trong 5 năm qua đã thể hiện rõ quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển sự nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà.
 
Toàn tỉnh có 5 DN được cổ phần hóa: Công ty cổ phần Xây dựng và Bảo trì cầu đường, Công ty cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành, Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre và Công ty cổ phần Đăng kiểm và Dịch vụ giao thông.
 
C. Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu