Thứ ba, 28/02/2023,08:08 (GMT+7)
“Hoa mắt” với đủ loại ôtô điện
Nhiều mẫu ôtô điện mini đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng song đa phần vẫn chưa thật sự tin tưởng về chất lượng, nhất là những dòng xe xuất xứ Trung Quốc
 
Trên một số trang mạng, mẫu ôtô điện DT Motor nguồn gốc Thái Lan đang được rao bán với giá 75-110 triệu đồng/chiếc. Một mẫu ôtô điện mini khác là Changli (xuất xứ Trung Quốc) với 2 chỗ ngồi được bán giá chỉ khoảng 23 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, một số dòng xe điện 4 chỗ của Trung Quốc có giá 88 triệu đồng/chiếc, giao xe tận nhà và bảo hành 1 năm.
 
Đủ phân khúc
Mới đây, Công ty CP Ôtô TMT (TMT Motors) đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ôtô điện của liên doanh này tại Việt Nam. Liên doanh gồm 3 cổ đông là hãng General Motors của Mỹ với 44% cổ phần và SAIC Motor chiếm 50,1%, cùng Wuling Motors của Trung Quốc với 5,9% cổ phần.
 
Hoa mắt với đủ loại ôtô điện - Ảnh 1.
Ôtô điện Hongqi của Trung Quốc đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá bán hơn 3 tỉ đồng/chiếc song chưa thu hút nhiều khách hàng
 
Liên doanh nói trên cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ôtô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV - mẫu ôtô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm qua.
 
Theo kế hoạch, mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV sẽ được lắp ráp tại nhà máy của TMT Motors ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể tăng trong tương lai. Mẫu xe được dự đoán có giá bán khoảng 150 triệu đồng/chiếc. TMT Motors cũng đang cân nhắc giới thiệu thêm một số mẫu khác theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors - (SAIC - WULING).
 
Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT TMT Motors, tự tin với kinh nghiệm hoạt động từ năm 2000, công ty có thể tạo bước đột phá với mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV - được cho là sẽ khai mở phân khúc ôtô điện mini tại Việt Nam. 
 
"Mẫu xe này góp phần giúp người dân dễ dàng sở hữu phương tiện di chuyển thân thiện môi trường và an toàn hơn. Với thiết kế nhỏ gọn, thời trang cùng không gian linh hoạt gồm 4 chỗ ngồi, đây là lựa chọn trong tầm tay của nhiều khách hàng Việt" - ông Hữu nhận định.
 
Ở phân khúc hạng sang, hãng xe lớn Hồng Kỳ (Hongqi) của Trung Quốc đã đưa xe điện vào thị trường Việt Nam hơn một năm qua. Mẫu này có giá rất cao, lên đến 4 tỉ đồng/xe, sau đó phải giảm giá 500 triệu đồng/chiếc để dễ tiêu thụ hơn. Trong nước, xe điện của VinFast hiện có giá thấp nhất khoảng 600 triệu đồng/chiếc.
 
Trước đó, thị trường rộ thông tin Tập đoàn Geleximco đầu tư 800 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Khu Công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ sản xuất cả xe điện và xe hybrid (xe lai xăng - điện).
 
Không dễ "ăn"
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, phân phối ôtô điện, với động thái hàng loạt hãng xe như VinFast, Mercedes, Audi, Hyundai, Toyota... ra mắt ôtô điện tại thị trường Việt Nam, thời đại của ôtô điện đang đến gần.
 
Đáng chú ý, nhận định phân khúc xe điện giá rẻ đang bị bỏ quên, các hãng xe điện Trung Quốc tham vọng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, giới kinh doanh ôtô nhận định các hãng xe mới gia nhập thị trường hoặc thương hiệu xe chưa quen thuộc sẽ không dễ "ăn" miếng bánh thị phần còn lại.
 
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống Ôtô Hiền (TP HCM), nhìn nhận ôtô điện giá rẻ khi mới ra mắt sẽ gây tò mò đối với người tiêu dùng nhưng khá khó bán bởi đa phần lo ngại chất lượng không bảo đảm. Ngay cả các hãng xe lớn như Toyota, Honda cũng từng đưa ra thị trường mẫu xe điện giá dưới 500 triệu đồng/chiếc nhưng không trụ được lâu mà phải tháo chạy chỉ sau 1-2 năm mở bán.
 
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng, ôtô điện giá rẻ sẽ hấp dẫn người tiêu dùng song yếu tố chất lượng cũng rất quan trọng. Ông Đồng dẫn chứng tại Thái Lan, một số mẫu xe điện có giá chỉ khoảng 100 triệu đồng/chiếc nhưng không có nguời mua. 
 
Người tiêu dùng cho rằng những mẫu xe giá rẻ với thiết kế đơn giản chỉ hợp sử dụng trong nội thành, không thể chạy đường dài. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, gồm hệ thống trạm sạc, tại Việt Nam chưa được xây dựng đồng bộ cũng khiến xe điện giá rẻ mất đi lợi thế.
 
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, cho rằng nhìn từ nhu cầu thị trường trong ngắn hạn 1-2 năm, có thể sẽ bùng nổ làn sóng sử dụng xe điện giá rẻ bởi đáp ứng được nhu cầu sở hữu ôtô của người dân. 
 
Tuy nhiên, khi doanh số tiêu thụ đến ngưỡng giới hạn mà cơ sở hạ tầng vẫn không được cải thiện, thị trường sẽ bão hòa, nhu cầu sụt giảm nhanh. Trong khi đó, có khả năng các hãng xe Trung Quốc đã thành công trong việc thải bán được những loại xe có công nghệ thấp, còn gọi là rác công nghệ.
 
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, khuyến cáo người tiêu dùng cân nhắc kỹ trước khi mua xe điện giá rẻ. Các hãng cũng nên quan tâm nghiên cứu, đánh giá khả năng tiêu thụ, mức độ hấp dẫn của các dòng xe điện giá rẻ để có chiến lược phù hợp. 
 
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu