Thứ năm, 07/11/2019,15:37 (GMT+7)
Hoàn thiện chính sách phát triển vật liệu xanh
Xây dựng công trình xanh dù đã được nhắc tới khá nhiều, song tỷ lệ thực thi vẫn còn quá thấp so với tốc độ xây dựng ở nước ta hiện nay. Bên cạnh những rào cản về cơ chế chính sách thì việc tìm kiếm các vật liệu xanh trong xây dựng đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều người quan tâm.

hoan thien chinh sach phat trien vat lieu xanh

Thị trường công trình xanh sẽ phát triển trong thời gian tới (Ảnh: Internet).

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, số lượng công trình được thiết kế, cấp chứng chỉ công trình xanh, trong đó có sử dụng vật liệu xây dựng xanh còn hạn chế. Chỉ có khoảng 80 công trình được cấp chứng chỉ công trình trên tổng số 115 công trình đăng ký. Con số này còn quá thấp so với hàng chục nghìn công trình lớn đã và đang đầu tư xây dựng.

Mặc dù, Nhà nước đã ban hành chính sách định hướng, song về mặt quản lý, hiện vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân thủ xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu chưa nhiều, chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá công trình tiêu chuẩn như các nước trên thế giới để ứng dụng cụ thể vào Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, quá trình phát triển công trình xây dựng xanh chưa được quan tâm đúng mức cả về góc độ quản lý Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp.

Cùng với đó, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng xanh, phía doanh nghiệp chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, do những lợi ích mà sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống vẫn chiếm ưu thế.

Đại diện Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, ông Lê Cao Chiến cũng cho biết, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam đang dự kiến ban hành “tiêu chí xanh” đối với xi măng, sứ vệ sinh. Theo đó, việc sản xuất xi măng phải tuân thủ các yêu cầu về quản lý năng lượng, sử dụng nhiên liệu, về tỷ lệ sử dụng phế thải thay thế vật liệu tự nhiên; tỷ lệ phát thải tối đa là 800kg CO2/tấn xi măng. Việc sản xuất sứ vệ sinh phải có mức sử dụng năng lượng nhiệt tối đa cho nung sản phẩm là 2.200kcal/kg sản phẩm; tiêu hao điện năng tối đa là 0,55kWh/kg sản phẩm.

Một trong những sản phẩm góp phần quan trọng vào việc xây dựng công trình xanh là vật liệu xây dựng xanh cũng còn gặp nhiều khó khăn khi phát triển. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để phát triển vật liệu xây dựng xanh một cách bền vững, cần có các cơ chế rõ ràng, một mặt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, một mặt có những cơ chế kiểm soát đối với vật liệu xây dựng truyền thống.

Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng và xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng trên có quy mô trên cả nước…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện.

Đặc biệt, đối với công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến công tác về đào tạo chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh để người dân và doanh nghiệp hình thành thói quen thay thế vật liệu xây dựng cũ bằng các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến.

Đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng, việc dán nhãn xác nhận đối với vật liệu xanh cũng là giải pháp hữu ích nhằm nâng cao ý thức sử dụng vật liệu ít tác hại tới môi trường trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, thị trường công trình xanh sẽ phát triển trong những năm tới, nên các nhà thầu thi công cần nắm vững các quy định của công trình xanh để chủ động tiếp cận thông tin về vật liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loại vật liệu để đặt hàng khi cần. Đặc biệt cần lường được các khó khăn, thách thức trước khi triển khai để có giải pháp phù hợp.

Hà Vy - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu