Thứ bảy, 28/12/2019,08:06 (GMT+7)
Học sinh giỏi quốc gia phấn khích với đề thi bàn về "Sự tử tế"
Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn năm học 2019 – 2020 chú trọng kích thích sự tư duy sáng tạo, phản biện của học sinh.
Ngày 27-12, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chính thức bắt đầu. Môn văn được thi đầu tiên với thời gian làm bài 180 phút.
 
Đề thi gồm 2 câu. Câu nghị luận xã hội yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về "con đường" trong nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Inamori Kazuo - một doanh nhân người Nhật, qua câu: "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế". 
 
Câu nghị luận văn học yêu cầu trả lời cho câu chuyện, trong thời đại ngày nay, liệu văn học có khả năng giúp con người hóa giải được những áp lực trong đời sống tinh thần?
Học sinh giỏi phấn khích với đề thi bàn về Sự tử tế - Ảnh 1.
Học sinh thích thú khi được bày tỏ quan điểm của mình khi làm bài thi
 
Cô Lê Thị Hà Giang, giáo viên văn Trường THPT Gia Định (TP HCM) đánh giá đề hay, gợi mở và phân điểm rõ rệt. Những em học sinh tư duy tốt, có khả năng trình bày vấn đề thì điểm thi sẽ rất cao. 
Em Trần Vân Anh, học sinh lớp 12CV1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) nhận định đây là đề văn thú vị. Bởi vấn đề được đặt ra không mới, nhưng cách đặt vấn đề rất hay. "Chưa bao giờ em nghĩ đến việc làm thế nào để đạt được thành công bằng sự tử tế. Đề mở ra cho em cách nhìn mới về việc đi đến thành công trong cuộc sống cần yếu tố gì" – Vân Anh chia sẻ.
 
Vân Anh cũng cho biết thêm câu 2 của đề văn năm nay bàn về chức năng của văn học, cách người ra đề đặt câu hỏi gợi cho mình phải phân tích kỹ hơn là đề đặt ra một câu nói của ai đó vào và chứng minh nó đúng. Ở đây sẽ có sự phản biện tới lui của người làm bài nhiều hơn, không bị cô đọng.
 
Rất tâm đắc với đề văn năm nay, một học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn văn của TP học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho rằng đề này không quá xa lạ với học sinh nhưng để làm bài hay, học sinh phải tìm cách trình bày mới lạ tạo ra sức hút cho bài. 
 
"Đề thi nhìn tưởng quen nhưng có nhiều khía cạnh học sinh có thể phản biện lại được, nếu bạn nào tư duy nhạy bén, phản biện lại được thì bài viết sẽ đặc sắc hơn, điểm cao hơn" - học sinh này nhận xét.
 
Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu