Thứ năm, 28/09/2023,20:12 (GMT+7)
Hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn của Việt Nam bị “thôn tính”.
In ấn và bao bì Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ cho rất nhiều ngành kinh tế khác. Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, ngành này có sự suy giảm trong năm 2023
 
Ngày 27-9, trao đổi bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn 2023 - Vietnam PrintPack 2023, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết ngành bao bì và in ấn Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển nhưng cũng đứng trước rủi ro rất đáng lo ngại.
 
Cụ thể, gần đây, rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến khảo sát, tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực in ấn, bao bì. 
 
"Những nước lân cận Việt Nam đang gặp khó khăn trong phát triển thị trường trong khi nước ta có xu thế phát triển ngành in, bao bì rất tốt. Năm rồi, chúng tôi tiếp hàng trăm lượt doanh nghiệp từ các nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh" - ông Dòng thông tin.
 
Hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn của Việt Nam bị thôn tính - Ảnh 1.
Một doanh nghiệp sản xuất bao bì có vốn đầu tư nước ngoài giới thiệu máy móc, công nghệ tại Vietnam PrintPack 2023
 
Theo đánh giá của Hiệp hội In, các doanh nghiệp lĩnh vực in ấn, bao bì nước ngoài đang chuẩn bị đổ bộ Việt Nam. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là tín hiệu đáng lo ngại bởi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn có thể "thôn tính" doanh nghiệp trong nước. 
 
"Thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn nhất của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài "thôn tính" và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. 
 
Lý do là nhiều doanh nghiệp Việt không có người kế thừa, không thu hút được nguồn lực lao động, bản lĩnh kinh doanh chưa đủ mạnh để đương đầu với thử thách thị trường khi doanh nghiệp nước ngoài vào" - Chủ tịch Hiệp hội In phân tích.
 
Với tình hình này, nếu doanh nghiệp Việt không nhanh chóng cải thiện chất lượng quản trị sẽ ngày càng đuối sức, phải chịu thua trên sân nhà. 
 
Hiện nay, khoảng 400 doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng số doanh nghiệp in trên cả nước nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. 
 
"Để cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành bao bì và in ấn, sự đổi mới là vô cùng cần thiết. Theo xu hướng hiện tại, doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường" - ông Dòng nhấn mạnh. 
 
Vietnam PrintPack 2023 là một trong những triển lãm quốc tế hàng đầu về chuyên ngành bao bì, in ấn tại Việt Nam do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Một Thành Viên Yorkers Exhibition Service Vietnam tổ chức.
Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 27 đến 30-9; quy tụ hơn 910 gian hàng của 411 đơn vị đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ; với hơn 20.000 m2 dành cho các đơn vị trưng bày các sản phẩm và dịch vụ mới nhất trong ngành bao bì - in ấn, bao gồm sự góp mặt lần đầu tiên của Masterwork Group đến từ Trung Quốc, tập đoàn Heidelberger Druckmaschinen AG đến từ Đức…
 
T. Nhân (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu