Thứ bảy, 13/06/2020,07:15 (GMT+7)
Hợp tác xã thích ứng với cơ chế thị trường
Để thích ứng với cơ chế thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) đã áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này, không chỉ gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản và thu nhập cho nông dân, mà còn khẳng định vai trò của kinh tế tập thể, HTX đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của HTX Quốc Noãn, huyện Thới Lai được trưng bày, giới thiệu tại một điểm bán hàng trên địa bàn quận Ninh Kiều.
 
Thị trường ngày càng khắt khe, người tiêu dùng cần sản phẩm hàng hóa, nông sản có thương hiệu, đảm bảo chất lượng an toàn. Do đó, liên kết theo mô hình HTX kiểu mới để hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm gia tăng năng suất và chất lượng hàng hóa, nông sản đang được các ngành chức năng TP Cần Thơ quan tâm. Cùng đó, các HTX chủ động nâng cao năng lực quản trị, khảo sát thị trường, tìm kiếm những mặt hàng, sản phẩm thị trường đang cần để cùng xã viên lên kế hoạch sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường,… Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, mà còn tăng thu nhập và tạo niềm tin cho nông dân tham gia vào HTX.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo quy trình VietGAP và xây dựng thành công thương hiệu "Cam xoàn Thới An - Ô Môn", nên cam xoàn của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, quận Ô Môn đang được thị trường rất ưa chuộng và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà nông tham gia vào HTX. Ông Nguyễn Thành Nghi, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết: HTX đang tập huấn cho thành viên cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cam xoàn theo quy trình VietGAP: xây dựng nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng đồ bảo hộ lao động mỗi khi tiếp xúc hoặc phun xịt phân, thuốc, ghi chép nhật ký làm vườn, cách ly phân thuốc trước khi thu hoạch… bảo đảm cam xoàn đạt tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ có chất lượng và có thương hiệu nên "Cam xoàn Thới An - Ô Môn" có giá bán cao và đầu ra ổn định. Hiện toàn HTX có hơn 20,2ha đất trồng cam xoàn đang cho trái; ước tính mỗi công đất (1.300m2), cho sản lượng trái trên 3 tấn/công, giá bán trung bình 24.000 đồng/kg, sẽ đem lại lợi nhuận cho thành viên HTX trên 40 triệu đồng/công. Theo ông Nghi, nhiều thành viên trong HTX không chỉ phát triển cây cam xoàn, mà còn cải tạo lại diện tích đất vườn để trồng nhãn Ido, nhãn thanh… theo hướng an toàn. Điều này, vừa giúp nhà nông nâng cao hiệu quả canh tác vườn, vừa giúp HTX đa dạng hóa mặt hàng trái cây, phục vụ nhu cầu thị trường.
 
Để tăng giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, HTX Quốc Noãn, huyện Thới Lai, chú trọng nâng cao tay nghề cho xã viên,  năng động tìm đầu ra cho sản phẩm, bằng cách quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, chia sẻ: Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài sản xuất theo đơn hàng hoặc bán sản phẩm mình có, HTX còn tiếp thị hình ảnh sản phẩm đến khách hàng qua kênh trực tuyến trên Zalo. Qua đó, HTX nắm bắt nhu cầu của khách hàng là cần những sản phẩm đan lát thủ công có kiểu mẫu đặc trưng làm từ chất liệu tự nhiên, nên HTX đã tập huấn nhằm nâng cao tay nghề cho xã viên, cải tiến mẫu mã cho nhiều dòng sản phẩm nông cụ, với thiết kế nhỏ gọn hơn; đồng thời, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới để sản phẩm bền và đẹp mắt hơn. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mang đậm nét đặc trưng của nghề nông vùng ĐBSCL: nom, lọp, vó… làm từ các loại tre, nứa- nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên được nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc rất ưa chuộng. Không chỉ vậy, nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài TP Cần Thơ cũng mong muốn hợp tác với HTX để làm các sản phẩm nông cụ, vừa có thể dùng làm quà biếu tặng, vừa có tác dụng trang trí, tạo nét đặc trưng tại các điểm du lịch sinh thái... Đây chính là động lực, thôi thúc HTX tăng cường áp dụng công nghệ, đưa nguyên liệu có nguồn tự nhiên vào sản xuất, nhằm gia tăng chất lượng và tính thẩm mỹ cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đáp ứng tốt thị hiếu của khách hàng và nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
 
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, để các HTX tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Liên minh HTX thành phố sẽ phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi dành cho HTX. Cùng đó, phối hợp với các ngành hữu quan thành phố và các địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và định hướng HTX thực hành sản xuất an toàn; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, cách thức tổ chức dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra; tổ chức các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại dành cho các HTX; hỗ trợ các HTX nâng cao kỹ năng đàm phán và liên kết cùng các đơn vị kinh doanh ký kết hợp đồng tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản trên địa bàn thành phố.
 
Bài, ảnh: M.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu