Thứ hai, 14/09/2020,12:20 (GMT+7)
Hợp tác xã trường học - nơi trải nghiệm bổ ích cho sinh viên
Hơn 2 năm qua, mô hình hợp tác xã (HTX) sinh viên tại Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đã chứng minh được hiệu quả trong phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của sinh viên. Mô hình còn giúp sinh viên thực tập những kỹ năng đã được học tại trường, kết nối, đưa các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trở thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhân viên HTX sinh viên Trường ĐH Trà Vinh hướng dẫn khách mua hàng tại cửa hàng kinh doanh tổng hợp.
 
►Làm xã viên chỉ với 200.000 đồng
 
Từng là sinh viên của trường, sau đó tiếp tục học lên cao học chuyên ngành Luật dân sự, đồng thời gắn bó với HTX từ những ngày đầu thành lập, chị Ðỗ Thị Mỹ Huyền, Phó Giám đốc HTX sinh viên Trường ÐH Trà Vinh, cho biết: HTX được thành lập vào tháng 6-2018. Ðây là mô hình HTX trường học được Trường ÐH Trà Vinh, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ quỹ đất, giấy phép khai thác và kinh doanh 20 loại hình ngành nghề, dịch vụ. Ngoài ra, HTX còn được Trung tâm Ðào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (CCD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, giúp xác định cơ hội, xây dựng phương án kinh doanh với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển mô hình HTX của trường.
 
Ban đầu, HTX có 537 thành viên là cựu sinh viên, sinh viên đang theo học tại trường; sau đó, số thành viên tăng lên 558. HTX hoạt động với mục tiêu nâng cao đời sống, tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong học tập, làm việc và sinh hoạt cho sinh viên, học viên, giảng viên, cán bộ, viên chức của Trường ÐH Trà Vinh. Ðồng thời, đây là mô hình mới nhằm tạo môi trường cho sinh viên phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực tập những kỹ năng đã được học tập tại trường; kết nối giữa nghiên cứu trong trường ÐH và hiện thực hóa trên thị trường khi đưa các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại trường trở thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; nâng cao thương hiệu của Trường ÐH Trà Vinh để tạo tiền đề mở rộng hợp tác quốc tế; chăm lo phúc lợi thành viên, tương trợ lẫn nhau giữa thành viên và HTX, giữa HTX với cộng đồng địa phương.
 
Theo Ban lãnh đạo HTX, chỉ với 200.000 đồng, sinh viên sẽ trở thành xã viên của HTX và sẽ được sử dụng các dịch vụ của HTX với mức giá ưu đãi nhất. Ðặc biệt, xã viên có quyền ứng cử vào ban lãnh đạo, làm quản lý các loại hình dịch vụ của HTX. Ðây là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm thực tế và học hỏi nhiều lĩnh vực như kinh doanh, quản trị, kế toán, marketing… Hơn nữa, khi trở thành xã viên, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhóm, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể và chủ động hơn với các hoạt động cộng đồng khác. Xã viên cũng được ưu tiên để trở thành nhân viên làm việc bán thời gian trong các mô hình dịch vụ của HTX với mức thu nhập hấp dẫn.
 
►Mở rộng lĩnh vực kinh doanh
 
Hàng năm, Trường ÐH Trà Vinh có trên 8.300 sinh viên hệ chính quy, 1.100 sinh viên hệ vừa học vừa làm, trên 1.100 cán bộ, giảng viên, viên chức. Ðây là điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng loại hình kinh doanh các dịch vụ. Chị Huyền cho biết, mới đây, HTX sinh viên Trường ÐH Trà Vinh đã khai trương cửa hàng kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi Coop store) trong khuôn viên trường. Cửa hàng này kinh doanh đặc sản Trà Vinh, bách hóa tổng hợp, thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm, hóa mỹ phẩm, dịch vụ phục vụ nước uống.
 
“Cửa hàng được xây dựng trong khuôn viên trường nên rất thuận tiện cho sinh viên, giảng viên, cán bộ, viên chức của trường khi mua hàng. Ðặc biệt, cửa hàng có dịch vụ giao hàng tận nơi nếu khách hàng có yêu cầu và tùy theo số lượng đơn đặt hàng. Ðây sẽ là kênh dịch vụ tiện lợi, nhằm hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho sinh viên, nông dân sau thu hoạch...” - chị Huyền nói.
 
Ông Trần Văn Thành, sống gần Trường ÐH Trà Vinh, cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi phải mất nhiều thời gian để tìm đến các sạp mua thịt, cá, rau củ, quả và các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Cách đây 3 tháng, khi nghe các cháu sinh viên tổ chức cửa hàng bách hóa, tôi đến xem thì thấy bán khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho gia đình.
 
Có thể nói, mô hình HTX sinh viên của Trường ÐH Trà Vinh đã và đang là môi trường tốt để sinh viên trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng, là nơi để thực hành những kiến thức đã học về quản lý tài chính, phân phối sản phẩm. Ðặc biệt, sự ra đời của HTX góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên, tạo nguồn thu nhập và giảm gánh nặng về tài chính trong suốt thời gian học tập.
 
“Hiện nay, mỗi tháng HTX đạt doanh thu 50-60 triệu đồng. Sắp tới, khi triển khai thêm các dịch vụ khác, hứa hẹn doanh thu sẽ tiếp tục tăng lên. Thực tế cho thấy, HTX đã giúp tôi và nhiều sinh viên khác có một trải nghiệm hết sức bổ ích trước khi đi làm. Riêng tôi, dự định khi học xong cao học vẫn tiếp tục gắn bó với HTX” - chị Huyền nói.
 
Ngành nghề kinh doanh của HTX sinh viên Trường ĐH Trà Vinh bao gồm: dịch vụ sau thu hoạch (liên kết tiêu thụ sản phẩm do sinh viên của trường sản xuất và chế biến); sửa xe, rửa xe gắn máy; cửa hàng kinh doanh tổng hợp; dịch vụ phục vụ đồ uống; hoạt động thiết kế chuyên dụng (trang trí điện thoại); hoạt động cấp tín dụng khác (tín dụng nội bộ); hỗ trợ nghiên cứu, cung cấp sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng của các đơn vị trực thuộc trường; đại lý du lịch (tổ chức tour du lịch); tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (tổ chức sự kiện, dịch vụ thương mại); dạy kèm; hoạt động của các cơ sở thể thao (sân bóng đá, bóng chuyền); sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; sửa chữa thiết bị liên lạc; giặt ủi, làm các sản phẩm dệt và lông thú; hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ gia đình; giữ xe tại nhà xe ký túc xá sinh viên…
 
Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu