Thứ hai, 21/09/2020,07:30 (GMT+7)
Hướng đến mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Bước đầu, tham gia đề án có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TPHCM).
Một buổi hội chẩn qua hệ thống Telehealth giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới
Một buổi hội chẩn qua hệ thống Telehealth giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới
 
Theo kế hoạch, tới cuối tháng 9 này sẽ thực hiện kết nối 1.000 điểm cầu trong cả nước là các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Tuy nhiên, tới ngày 20-9, Telehealth của ngành y tế đã vượt mục tiêu đề ra khi đã thực hiện kết nối thành công tới 1.100 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
 
Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và nhiều bệnh viện tuyến trên cũng như các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới; đồng thời qua đó chất lượng khám chữa bệnh và kiến thức chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên được nâng cao hơn, lan tỏa xa hơn.
 
Quan điểm chủ đạo khi thực hiện đề án là hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của Telehealth mang lại, giúp họ vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm. 
 
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, trong 5 năm thực hiện đề án sẽ hướng đến các mục tiêu lớn. Đó là: tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị, để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới khám, chữa bệnh từ xa; thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân.
 
Qua hơn 1.000 điểm cầu, trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều cuộc hội chẩn, trao đổi giữa tuyến trên và tuyến dưới, qua đó cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại bệnh viện tuyến dưới mà không cần phải đưa lên tuyến trên. Dù là khám chữa bệnh từ xa nhưng Telehealth đang tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn như nhau.
 
“Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh; tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng cao tại cơ sở”, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây dựng, hình thành hệ thống Telehealth.
 
KHÁNH NGUYỄN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu