Ứng dụng công nghệ thông tin
Ấn tượng đầu tiên khi đến với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là sự khang trang về cơ sở vật chất, với tòa nhà bề thế tọa lạc trên diện tích 6ha ngay bên quốc lộ 1 và cách ngã 3 Dầu Giây khoảng 6km, được ngân sách của tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí 783 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2016. Do được đầu tư mới đồng bộ nên bệnh viện được trang bị các máy móc hiện đại.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh được xem là một trong những bệnh viện đi đầu trong cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ ở Đồng Nai, từ khâu đăng ký khám bệnh, lập tổ chăm sóc khách hàng - bệnh nhân, đến nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hóa dịch vụ y tế. Bệnh nhân có thể đăng ký lịch hẹn khám chữa bệnh (KCB) qua điện thoại, mạng xã hội Zalo; các khâu đăng ký giữa các khoa phòng đều được kết nối mạng nên đã rút ngắn thời gian KCB ngoại trú 1 - 2 giờ.
Bệnh viện đã tổ chức các phòng khám chuyên gia từ tháng 1-2018, hợp đồng với 3 PGS-TS trên TPHCM trực tiếp đến KCB tại bệnh viện vào các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần và tham gia đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Nếu trước đây, một số bệnh về cột sống - thần kinh, bệnh lý mạch máu phải lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoặc lên TPHCM thì nay có thể khám, điều trị ngay tại bệnh viện, giúp giảm thời gian, chi phí cho bệnh nhân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM.
Qua phiếu khảo sát (hàng tuần) của bộ phận chăm sóc khách hàng thì tuần mới nhất có đến 96,7% bệnh nhân hài lòng. Dù tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân ở các cơ sở y tế là khác nhau và không phải nơi nào cũng cao như ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, nhưng tất cả đã cho thấy quá trình cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế Đồng Nai những năm gần đây là rất đáng mừng.
Hướng đến y tế thông minh
Cùng với Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB - hướng đến sự hài lòng của người bệnh - cũng được triển khai mạnh mẽ ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất. Theo đó, sau khi bệnh nhân lấy số thứ tự trên máy thì từ thông tin bệnh nhân được lưu trữ đến bác sĩ cho y lệnh khám, cho thuốc, lấy thuốc đều được nối mạng, đã rút ngắn được thời gian chờ đợi, tăng số lượng, chất lượng phục vụ. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phục vụ 4.000 - 6.000 bệnh nhân/ngày, trong đó có khoảng 300 bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh ung thư.
Nhưng theo TS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thì mục tiêu chiến lược từ nay đến năm 2025 của ngành y tế tỉnh là hướng đến một nền y tế thông minh, để nâng cao chất lượng KCB cho người dân.
Theo đó, quá trình ứng dụng tin học hóa sẽ được thực hiện trên từng công đoạn KCB và đi kèm là việc triển khai bệnh án điện tử từ quý 1-2019 (thí điểm thực hiện tại 2 bệnh viện Đồng Nai và Long Khánh). Bước kế tiếp là hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ, dữ liệu sức khỏe cá nhân, với kinh phí dự kiến hơn 11 tỷ đồng sẽ kết nối hồ sơ sức khỏe từ các cơ sở KCB, trước mắt là từ các bệnh viện lớn, sau đó sẽ triển khai rộng ra các cơ sở y tế trên toàn tỉnh trong 2 năm 2020-2021.
Bà Phạm Thị Lan (ở xã Hàng Gòn, TP Long Khánh) nhận xét: “Tui đến Bệnh viện Đa khoa Long Khánh khám bệnh 7 - 8 lần rồi, thấy bác sĩ vui vẻ, làm việc tận tình. Có lần tui làm xét nghiệm, đo điện tim, khám tổng quát, xét nghiệm máu, chụp X-quang, chờ lấy thuốc xong cũng chỉ mất khoảng 3 giờ dù đông người, hôm ít người không phải xếp hàng thì còn nhanh hơn”.
|
QUANG PHÚ - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)