Thứ hai, 30/03/2020,10:20 (GMT+7)
Hướng đi mới cho trái cây đặc sản
Với định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn châu Âu sản xuất trái cây sấy dẻo xuất ngoại. Định hướng này không chỉ gia tăng chuỗi giá trị cho trái cây đặc sản vùng ĐBSCL, mà còn tạo ưu thế cạnh tranh cho nông sản Việt thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Chế biến xoài sấy dẻo tại Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
 
Toàn vùng ĐBSCL có 41.000ha trồng xoài các loại, với tổng sản lượng xoài 420.000 tấn/năm; trong đó, xoài cát Chu chiếm hơn 23%, cát Hòa Lộc  hơn 16%, còn lại là xoài Đài Loan, xoài tứ quý... Riêng tỉnh Đồng Tháp có 9.400ha chuyên canh xoài cát Chu, với tổng sản lượng 59.730 tấn/năm, chiếm 85% diện tích trồng xoài của tỉnh. Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, ông Võ Phát Triển đã gầy dựng Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức (Công ty Việt Đức), đầu tư nhà máy với công nghệ tối tân, chuyên sản xuất trái cây sấy dẻo, với quy mô hơn 5.000m2, tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Qua 8 năm hoạt động, từ năm 2012 đến nay Công ty Việt Đức đã đưa nhiều sản phẩm trái cây sấy dẻo xuất ngoại thành công, mở ra hướng đi mới cho trái cây đặc sản trong và vùng ĐBSCL, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
 
Ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty Việt Đức, cho biết: Các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã phát triển nhiều nhà máy hiện đại để chế biến trái cây sấy. Song, trái cây sấy của Việt Đức có ưu thế hơn so với sản phẩm cùng loại, bởi nhà máy đã ứng dụng công nghệ Maurer tối tân của Đức, có ưu điểm giữ được phẩm chất tươi ngon, mùi vị thơm tự nhiên độc đáo của trái cây tươi. Điều này đã được nhiều khách hàng ở Đức, Nga kiểm chứng và đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp ngày một tăng. Ước tính bình quân mỗi năm, nhà máy Việt Đức sử dụng trên 10.000 tấn nguyên liệu xoài, thanh long, khóm, chuối,… cho 3 đơn hàng của Nga, Đức, Nhật. Riêng mặt hàng xoài sấy dẻo, mỗi năm Công ty Việt Đức nhận đặt hàng từ châu Âu từ 500.000-600.000 Euro.
 
Theo ông Võ Phát Triển, trái cây sấy dẻo của Công ty Việt Đức đã có mặt tại nhiều siêu thị ở các nước Nga, Đức và được khách hàng rất ưa chuộng. Để giữ vững thương hiệu và chất lượng trái cây sấy dẻo, Công ty Việt Đức rất chú trọng tìm nguồn trái cây an toàn, hợp tác với các nhà vườn và nhiều đơn vị cung cấp nguyên liệu tại địa phương để hình thành vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các nước châu Âu. Trước mắt, ông ty liên kết với nhà vườn với diện tích khoảng 500ha, canh tác theo quy trình an toàn, đảm bảo trái sau thu hoạch không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nhà máy Việt Đức có trang bị thiết bị kiểm tra vi sinh trong 25-30 phút; công ty đã kết nối với Hợp tác xã Tân Tây ở huyện Thanh Bình, tiêu thụ 45ha xoài cát Chu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu trái cây sạch đưa vào nhà máy sản xuất. Ngoài ra, Công ty Việt Đức còn hợp tác với Công ty TNHH TMDV Bé Dũng ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, với vùng trồng thanh long 25.000ha để sản xuất thanh long sấy dẻo xuất khẩu đi Nhật và châu Âu.
 
Ông Võ Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV Bé Dũng (Công ty Bé Dũng) ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cho biết: Khi thị trường biến động, thanh long rớt giá chỉ có vài ngàn đồng/kg, nhưng nhờ Công ty Việt Đức sẵn lòng chia sẻ thiết bị, chuyển giao công nghệ cho Công ty Bé Dũng xây dựng được một nhà máy sấy ngay tại vùng nguyên liệu thanh long tại tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận: Long An và Tiền Giang. Qua đó, cho thấy Công nghệ Maurer sấy dẻo trái cây của Công ty Việt Đức không chỉ tạo giá trị giá tăng cho trái cây đặc sản ở vùng ĐBSCL, mà còn mở ra lối đi mới cho người trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận và vùng lân cận.
 
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, các vựa xoài tươi tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chuyên xuất khẩu hàng qua Trung Quốc, bị sụt giảm hơn 50% sản lượng tiêu thụ... Nhưng, Công ty Việt Đức vẫn tăng cường các hoạt động sản xuất hơn 10 tấn trái cây sấy dẻo thành phẩm/ngày, để cung ứng cho thị trường châu Âu. Cùng với đó, Công ty Việt Đức còn nâng cấp công suất chế biến của nhà máy lên gấp 10 lần so giai đoạn đầu; đồng thời, triển khai mở rộng xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến rau, củ, quả với diện tích 13ha, tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, có tổng công suất sấy 20 tấn rau củ, trái cây thành phẩm/ngày. Dự kiến, nhu cầu nguyên liệu của nhà máy này sẽ hơn 3,1 triệu tấn/năm và xoài sấy dẻo vẫn là mặt hàng chủ lực của Công ty Việt Đức. Định hướng của Công ty Việt Đức đầu tư 5 triệu euro vào nhà máy này để có được công nghệ và thiết bị tối tân, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22.000-2005, BRC, Eurofins kiểm định chất lượng theo cam kết với khách hàng.
 
Không chỉ chịu tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19, ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trái cây tươi... Trước những tác động này, việc doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kết hợp đầu tư công nghệ chế biến và công nghệ đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất các mặt hàng trái cây sấy dẻo xuất ngoại. Đây được xem giải pháp bứt phá, giảm áp lực xuất khẩu trái cây tươi qua đường biên mậu, mở ra hướng đi mới cho trái cây đặc sản thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Bài, ảnh: M.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu