Với mục tiêu thúc đẩy phát triển DL nội địa của tỉnh, thu hút lượng khách tham quan DL đến các khu, điểm DL cũng như tích cực khởi động lại hoạt động DL sau dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia DL nội tỉnh của cán bộ, công chức, giáo viên, sinh viên, học sinh kết hợp với việc mở rộng thị trường khách DL đến An Giang, Sở VT-TT&DL đã triển khai Chương trình kích cầu DL nội địa - An Giang năm 2020.
Mục tiêu của Chương trình kích cầu DL là khôi phục 90% lượng khách và doanh thu đối với thị trường khách đến các khu, điểm DL An Giang sau dịch bệnh COVID-19 trong những tháng cuối năm 2020. Hình thành thêm thị trường và thu hút nhiều du khách đến với An Giang, đặc biệt là lượng khách tiềm năng từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh. Xây dựng và hình thành những sản phẩm DL mới của An Giang. Tăng cường công tác quảng bá chất lượng, dịch vụ và hình ảnh đất và người An Giang đến du khách trong, ngoài nước.
Đoàn khảo sát của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đến tham quan Tri Tôn
Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nối kết chặt chẽ giữa ngành DL, các địa phương và các đơn vị kinh doanh DL, cùng hướng đến lợi ích của du khách và doanh nghiệp (DN) làm DL. Với thông điệp “An Giang- Điểm đến an toàn, thân thiện”, chương trình kích cầu DL của tỉnh sẽ tập trung thu hút khách nội địa đến với An Giang, với các chương trình giảm giá vé, giá các dịch vụ đến hết năm 2020. Ngoài ra, ngành DL An Giang còn hỗ trợ các DN kinh doanh DL lữ hành xây dựng các gói, tour giảm giá để kích cầu thu hút du khách, đặc biệt là hướng đến thị trường khách là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh đi DL An Giang.
Trong chương trình kích cầu DL lần thứ 2, Sở VT-TT&DL đã tích cực tham gia kế hoạch liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp các ngành và địa phương tạo điều kiện để đoàn khảo sát của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện chuyến khảo sát hoạt động DL tại 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.
Tận dụng tối đa tiềm năng
Là vùng đất đầu nguồn ĐBSCL, An Giang có sông nước hiền hòa, núi non hùng vĩ, cảnh sắc hữu tình và nền văn hóa độc đáo của 4 dân tộc: Kinh - Chăm - Hoa - Khmer. Tuy nhiên, với thế mạnh DL tâm linh đã khiến cho nhiều địa phương lãng quên tiềm năng về DL văn hóa, DL sinh thái, DL nông nghiệp vốn rất dồi dào trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ khảo sát hoạt động DL tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL theo yêu cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã đến các điểm DL nổi tiếng của An Giang cũng như tham quan những làng nghề, tìm kiếm những nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hay những khu vực có tiềm năng về DL sinh thái.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Vũ Duy Vũ cho rằng: “An Giang có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm DL hoàn chỉnh. Trong đó, nổi bật là nét độc đáo trong đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số, cảnh quan thiên nhiên cùng những làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Do đó, ngành DL tỉnh cũng như các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên cần có biện pháp kết nối các điểm đến thành những sản phẩm DL rõ nét, giúp du khách có thể hình dung những trải nghiệm mình sẽ có được khi đến với địa phương. Ngoài ra, cần đầu tư thêm hạ tầng giao thông, tăng cường quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người An Giang để các công ty DL và du khách dễ dàng tiếp cận”.
Với Chương trình DL “Sắc màu vùng biên” được các DN lữ hành của TP. Hồ Chí Minh triển khai đến các tỉnh ĐBSCL, An Giang đã tích cực hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị khảo sát có thể tiếp cận, tích lũy thông tin về tiềm năng DL của tỉnh để xây dựng các sản phẩm DL mới, góp phần cho việc kích cầu hoạt động DL hiệu quả.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Nguyễn Hữu Ngọc thông tin: “Trong chương trình kích cầu DL lần này, chúng tôi đã phối hợp các ngành liên quan tập trung xây dựng các gói DL hướng đến việc phát huy giá văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, gắn với thế mạnh cảnh quan hùng vĩ, nên thơ để tạo ra những sản phẩm DL mới của tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đưa DL trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.
Với sự vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn cùng các địa phương, hoạt động du lịch An Giang sẽ có bước phát triển trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương cùng các biện pháp phát triển DL có trọng tâm để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên DL đa dạng của tỉnh.
THANH TIẾN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)