Thứ bảy, 12/06/2021,21:44 (GMT+7)
Khi nông sản an toàn vào bếp ăn tập thể
Bên cạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất và sử dụng nông sản an toàn, 3 năm qua, Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang còn phối hợp đưa nông sản sạch vào các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp (DN), trường học. Đây là mục tiêu trọng tâm mà 2 đơn vị hướng đến nhằm đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch.
Dù có thêm đầu ra, nông dân trong tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn "chưa mặn" với chương trình liên kết
 
Lợi cả đôi đường
 
Theo đánh giá, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và LĐLĐ tỉnh An Giang đã góp phần tạo thêm đầu ra cho nông dân tham gia các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Trên 500 cuộc tuyên truyền được tổ chức với hơn 30.000 cán bộ, công đoàn viên, người lao động và nông dân tham dự. Từ năm 2018-2020, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin và giới thiệu sản phẩm nông sản giữa các đơn vị, DN, trường mầm non, nhà trẻ và tổ sản xuất, HTX nông sản an toàn.
 
Có 3 DN, 7 trường học trong tỉnh ký kết hợp đồng mua và sử dụng các loại rau, củ, trái cây của tổ sản xuất, HTX nông nghiệp. Hội Nông dân thành lập và nhân rộng 21 mô hình, THT sản xuất rau màu an toàn, đảm bảo cung ứng đầy đủ về số lượng và chất lượng cho người tiêu dùng trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, chương trình có hiệu quả nhưng chưa mang tính thuyết phục. Nhiều đơn vị chỉ liên kết tiêu thụ giai đoạn đầu, sau thời gian đã ngưng hợp tác hoặc chỉ cung ứng số lượng nông sản nhỏ. Năm 2018, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện ký kết tiêu thụ nông sản với THT sản xuất rau màu an toàn Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) theo chương trình phối hợp.
 
“Phần lớn rau, củ chế biến món ăn hàng ngày, nhà trường mua từ các chợ đầu mối mới đủ, vì thực đơn phải thay đổi liên tục để đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn. Đơn cử chỉ với món canh, trường lên thực đơn các ngày chẵn là canh rau, ngày lẻ là canh củ. Trong khi đó, đơn vị hợp tác cung cấp chủ yếu là rau ăn lá. Sau 2 năm ký kết, nhà trường không rõ lý do gì mà THT không tiếp tục duy trì” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn Đặng Hoàng Nam chia sẻ.
Ảnh: HOÀNG VŨ
 
Tháo gỡ vướng mắc
 
THT sản xuất rau an toàn phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) có 94 thành viên, sản xuất tổng diện tích 9,74ha các loại rau lá: hành, cải, rau dền, mồng tơi, rau muống… Ông Huỳnh Văn Bình (Tổ trưởng THT) cho biết, từ khi được thành lập (năm 2014) đến nay, tổ được ngành chuyên môn cấp tỉnh hỗ trợ quảng bá, liên kết đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Song, đơn vị tham gia thu mua có hạn, số lượng cần theo từng loại rau lúc có, lúc không… Một phần vì lý do này, nên sau thời gian THT ký kết với Trường Mẫu giáo Hoa Sen trên địa bàn, nay không còn duy trì.
 
“Mỗi ngày, THT thu hoạch trên 5 tấn rau các loại, chủ yếu cung ứng tại chợ đầu mối Vĩnh Mỹ, là nơi tiêu thụ ổn định nhất từ trước đến nay. Ngoài hạn chế về việc cung cấp nguồn rau chưa được phong phú theo yêu cầu của đối tác, chúng tôi còn khó khăn với một số thủ tục; trình độ, năng lực của nông dân chưa đủ để bắt nhịp linh hoạt vào môi trường liên kết. Xét về thuận lợi trước mắt, chúng tôi vẫn thích tiêu thụ tự do bên ngoài, vì nông dân trồng được gì thì bán đó, chứ có đầu ra mà số lượng ít, chênh lệch giá bán không là bao thì bà con nông dân không mặn mòi” - ông Bình giải bày.
 
Tương tự, tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có số lượng lớn lao động, giờ ăn ca phục vụ từ 500-600 suất. Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nguyễn Tấn Tới, do thực đơn phải thay đổi liên tục nên lượng rau từ THT sản xuất rau an toàn Mỹ Hòa Hưng cung ứng không đủ, có mặt hàng giá cao hơn bên ngoài. Trong khi đó, công ty liên hệ các siêu thị cung cấp thực phẩm có nhiều lợi thế hơn, vì đầy đủ loại hàng cần thiết và giao tận nơi.
 
Những lý do được đôi bên trực tiếp tham gia chia sẻ cũng là thực trạng khó khăn, hạn chế được LĐLĐ tỉnh và Hội Nông dân nhìn nhận, phân tích sau thời gian phối hợp. Dù còn một số bất cập, chương trình được xác định có ý nghĩa quan trọng và phát huy hiệu quả vai trò của liên minh giai cấp công nhân - nông dân trong thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và đô thị của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, 2 cơ quan tiếp tục duy trì, phối hợp thực hiện các giải pháp để cơ quan, đơn vị, DN, trường học có bếp ăn tập thể sử dụng nông sản an toàn. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn, nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất - kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
 
MỸ HẠNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cần chú trọng sản xuất - kinh doanh theo chuỗi các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp, như: liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh; hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm…

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu