Thứ sáu, 23/11/2018,09:49 (GMT+7)
Khoai tây là thực phẩm lành mạnh khi ăn đúng cách
Lâu nay, khoai tây bị coi là thực phẩm kém lành mạnh vì liên quan đến nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch, cho dù loại củ này cũng có những ưu điểm như dễ no bụng và cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu. Mới đây, Phó giáo sư Charles Mueller tại Đại học New York (Mỹ) khẳng định khoai tây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, khi chúng ta sử dụng đúng cách.

Ảnh: Easytogrowbulbs.com

“Khoai tây bị mang tiếng xấu bởi vì chúng được chế biến và tiêu thụ theo cách hiện đại” – theo chuyên gia Mueller thuộc Khoa nghiên cứu Dinh dưỡng và Thực phẩm. Ông lý giải rằng khoai tây vốn chứa nhiều dưỡng chất có lợi, nhưng khi được chiên trong dầu nóng hoặc bơ, trộn với kem chua hoặc muối, nguồn dinh dưỡng trong loại củ này trở nên vô dụng.

Thông thường, một củ khoai tây trắng (cỡ vừa) nướng để nguyên vỏ cung cấp 159 calorie, 36g chất bột-đường (carb) và gần 4g chất xơ, cùng vô số vitamin và khoáng chất khác như vitamin C, B6, magiê, kali. Như vậy, ăn một củ khoai cung cấp 15% magiê và 20% kali mà cơ thể cần mỗi ngày, đồng thời đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chất xơ của một người trưởng thành.

Ngoài khoai tây trắng, bạn cũng có thể tìm thấy các giống khoai tây màu vàng, tím và đỏ. Màu sắc của chúng đến từ các hợp chất thực vật phytochemical chẳng hạn như anthocyanin, carotenoid và flavonoid – đều có đặc tính chống ôxy hóa và giúp phòng chống bệnh tim mạch, ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác.

Tuy vậy, các chuyên gia về chế độ ăn uống khuyên không nên tiêu thụ quá nhiều khoai tây bởi nó có chỉ số glycemic (GI – đường trong thực phẩm) cao. Theo đó, carb trong thực phẩm có GI cao được cơ thể tiêu hóa nhanh, khiến đường huyết tăng nhanh rồi giảm nhanh, làm nồng độ insulin trong máu giảm xuống. Những tác động này có thể dẫn tới tình trạng ăn quá mức và làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.

Để hạn chế tối đa “tác dụng phụ” kể trên, chuyên gia Mueller khuyến nghị chúng ta nên xem khoai tây như một thành phần cung cấp chất đạm trong bữa ăn lành mạnh. Một cách khác để giảm thiểu tác động của GI là sau khi chế biến, để khoai tây nguội rồi mới ăn hoặc hâm nóng thêm lần nữa, ăn ở dạng lạnh như món rau trộn. Những cách này làm thay đổi cấu trúc hóa học của carb trong khoai tây và hình thành chất kháng tinh bột – một loại chất xơ có thể làm giảm đường huyết sau khi ăn và cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Chuyên gia Mueller cho rằng ăn khoai tây 2-3 lần trong tuần có thể tốt cho sức khỏe hầu hết mọi người, với điều kiện là nên kiểm soát số lượng tiêu thụ và lựa chọn cách ăn phù hợp. Đơn cử, việc thêm bơ hoặc kem vào món khoai tây có thể làm mất đi những lợi ích sức khỏe mà thực phẩm này mang lại. Điều đó cũng giúp giải thích vì sao một số nghiên cứu phát hiện rằng ăn khoai tây thường xuyên có thể dẫn đến thừa cân, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nguồn: AN NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu