Thứ năm, 16/04/2020,07:24 (GMT+7)
Khôi phục chăn nuôi theo hướng an toàn
Sau khi công bố hết dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố Vị Thanh quan tâm đến việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi theo hướng an toàn.
Nhờ thay đổi cách nuôi theo hướng an toàn đã mang lại hiệu quả cho gia đình ông Thảo sau lứa heo tái đàn đầu tiên. 
 
Năm 2019, dịch tả heo châu Phi bùng phát và lây lan gây thiệt hại lớn trên diện rộng, trong đó các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi, ngành thú y thành phố triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tái đàn heo, tiếp tục vận động người chăn nuôi gầy dựng lại đàn nhưng phải đảm bảo theo hướng an toàn sinh học.
 
Ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh, cho biết: Trước khi có dịch bệnh, tổng đàn heo trên địa bàn từ 6.000-7.000 con, nhưng nay thì tổng đàn heo còn chừng 3.500 con. Nguyên nhân là do việc tái đàn heo trong dân hiện nay hạn chế, người chăn nuôi còn tâm lý sợ dịch bệnh, đặc biệt là giá con giống hiện nay rất cao. Tuy nhiên, để người chăn nuôi heo tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn, thành phố Vị Thanh đang tập trung vận động người dân nuôi theo hướng tập trung, giảm quy mô nhỏ lẻ, phân tán.
 
Theo đó, đối với hộ nuôi trước đây trong vùng ổ dịch, muốn tái đàn heo phải đăng ký với chính quyền địa phương và ngành thú y để được ngành công nhận đảm bảo về con giống, phải được kiểm dịch ở địa phương về bán con giống, chuồng trại phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật, an toàn sinh học đối với dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú y… Trường hợp không kê khai với chính quyền địa phương trước khi thực hiện tái đàn heo, nếu xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch. Đối với những hộ chăn nuôi trước đây không nằm trong vùng ổ dịch, sẽ vận động hộ nuôi đảm bảo theo quy định của ngành thú y.
 
Hiện nay, việc tái đàn thì người chăn nuôi rất thận trọng trong đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thảo, ở ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi trên 10 con heo. Đợt đàn heo ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, gia đình tôi đã ngưng một thời gian. Sau đó, tái đàn nuôi lại chỉ có 2 con. Khi tái đàn, tôi được cán bộ thú y xã hướng dẫn cách xử lý chuồng trại thật kỹ và khi nuôi thì thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y”. Ông Thảo cho biết là gia đình luôn theo dõi sức khỏe heo, chăm sóc heo kỹ hơn trước, nhờ đó heo phát triển tốt. Vừa qua, ông đã bán được 1 con heo thịt trên 100kg, với giá 65.000 đồng/kg nên lợi nhuận khá. Hiện tại, trong chuồng còn 1 con heo nái đã cho phối giống, khi heo đẻ thì ông tiếp tục phát triển đàn heo trở lại. Đồng thời, tận dụng các chuồng trại bỏ trống đầu tư nuôi lươn thịt theo hướng an toàn, có bao tiêu sản phẩm.
 
Dù không nằm trong vùng ổ dịch tả heo châu Phi, nhưng nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố vẫn thực hiện theo quy định của ngành thú y, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường. Ông Trương Văn Phước, ở khu vực 6, phường III, chia sẻ: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề chăn nuôi heo 10 năm qua. Trong chăn nuôi luôn chú trọng đến việc an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Gia đình tôi đã xây hầm biogas để đảm bảo vệ sinh cho đàn heo và môi trường xung quanh. Hiện tại, trong chuồng còn nuôi 40 con heo thịt và nái. Bình quân mỗi tháng xuất bán từ 10-20 con”.
 
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh, toàn thành phố có tổng số 272 hộ chăn nuôi heo trước đây nằm trong vùng ổ dịch. Đến thời điểm này chỉ có từ 15-20% hộ đăng ký tái đàn. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay của các hộ chăn nuôi heo trong khôi phục là thiếu vốn. Theo ông  Đào Văn Hòa, cán bộ chăn nuôi và thú y xã Hỏa Lựu, toàn xã có 77 hộ chăn nuôi heo, hiện có khoảng 15 hộ đăng ký tái đàn. Vấn đề khó hiện nay là sau thiệt hại hộ nuôi không còn vốn đầu tư. Hiện giá con giống quá cao dẫn đến việc tái đàn heo gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình tái đàn, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêu độc khử trùng thường xuyên, hướng dẫn cách phòng bệnh để tránh ủ bệnh gây thiệt hại về kinh tế.
 
Để khôi phục đàn heo và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, tạo động lực thúc đẩy cho hộ dân phát triển, ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh, cho biết: Thành phố đang chuẩn bị kế hoạch thí điểm hỗ trợ đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh. Theo đó, thí điểm hỗ trợ 50% giá trị mua con giống cho hộ dân trên địa bàn phường III, xã Vị Tân và Hoả Lựu. Bên cạnh đó, kiến nghị tỉnh nên có chính sách hỗ trợ tái đàn, phát triển đàn chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhiều hơn và mạnh hơn nữa để khôi phục lại đàn heo.
 
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng các sản phẩm chăn nuôi của thành phố, góp phần cung ứng các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, ông Nguyễn Bé Sáu, Phó phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận chuồng trại và hộ gia đình để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ chăn nuôi, cũng như vận động người chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo mô hình an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
 
Theo Kế hoạch số 60 của Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh về quản lý, phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2020 thì thành phố phát triển tổng đàn gia súc là 6.320 con, trong đó đàn trâu là 70 con, đàn bò 250 con, còn lại đàn heo 6.000 con.
Bài, ảnh: T.XOÀN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu