Thứ hai, 18/01/2021,07:42 (GMT+7)
Khôi phục vườn sầu riêng đặc sản
Sầu riêng là một trong những trái cây thế mạnh của vùng ĐBSCL phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Những ngày qua, nông dân trồng sầu riêng ở 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre rất phấn khởi khi giá sầu riêng cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Nông dân Tiền Giang phấn khởi khi sầu riêng nghịch mùa được giá cao
Nông dân Tiền Giang phấn khởi khi sầu riêng nghịch mùa được giá cao
 
Khan hàng, giá cao 
Ông Dương Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang), cho biết: “Toàn xã có hơn 153ha sầu riêng với 2 loại giống chính là Monthong và Ri 6. Đợt hạn mặn năm 2020, hơn 3.200 cây sầu riêng bị chết. Nhiều nhà vườn đã phải trồng lại sầu riêng mới để thay thế”. 

Là một trong những nông dân trồng sầu riêng vụ nghịch trúng giá, ông Dương Văn Tèo (ngụ ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp) phấn khởi nói, một số nhà vườn trồng sầu riêng ở địa phương đã chủ động khôi phục, chăm sóc dưỡng lại cây cho mùa vụ sau.
 
Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên 5 công trồng sầu riêng của gia đình vừa thu hoạch hơn 3 tấn trái nghịch mùa. “Năm nay sầu riêng nghịch mùa bán giá rất cao, bình quân 100.000 đồng/kg (tùy loại) nhưng không đủ hàng để giao cho thương lái. Nhiều thương lái đã đến tận nhà vườn đặt cọc mua, nên vụ này gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng”, ông Dương Văn Tèo cười hiền nói.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), luyến tiếc: “Dù giá cao ngất ngưởng nhưng nhiều nông dân không có sầu riêng để bán. Toàn xã có 1.450ha sầu riêng, nhưng nhiều vườn cây bị chết, suy kiệt… nên không thể cho trái được ngay.
 
Thế là, các vựa trái cây đóng trên địa bàn phải đi mua gom hàng, chủ yếu ở huyện Cái Bè hoặc một số nơi không bị nhiễm hạn mặn thuộc huyện Châu Thành, thị xã Cai Lậy… rồi đem về đây đóng hàng, chở đi nơi khác bán”. Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cho hay, toàn tỉnh có khoảng 14.000ha sầu riêng.
 
Đợt hạn mặn vừa qua có trên 10% diện tích vườn cây bị chết, số còn lại bị suy kiệt nặng 60%-70%. Sau đó, ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân cách phục hồi vườn cây, rửa mặn, chăm sóc hợp lý để sớm phục hồi. 

Tại Bến Tre, tình hình cũng tương tự. Ông Lê Văn Đơn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, toàn huyện có diện tích trồng sầu riêng khoảng 1.300ha, sau đó giảm còn trên dưới 1.000ha. Hàng năm, các vườn sầu riêng cho năng suất bình quân 15-20 tấn/ha, có vườn trúng vụ lên tới 40 tấn/ha. Thời gian qua, chỉ một số nhà vườn ứng phó hạn mặn tốt thì cây được phục hồi nhanh, ra hoa và cho trái vụ nghịch, bán được giá cao. So với cùng kỳ, giá sầu riêng năm nay được xem cao đến đỉnh điểm, làm cho nông dân phấn khởi. 

Cấp bách ứng phó với hạn mặn 

Theo ông Lê Văn Đơn, đợt hạn mặn vừa rồi, các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Chợ Lách bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhiều vườn cây đang trong giai đoạn cho trái suy kiệt và chết.
 
Đây là bài học lớn cho nông dân và chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa. Hiện tại, nhằm ứng phó với đợt hạn mặn tới của năm 2021, ngoài những công trình của nhà nước thực hiện thì ngành nông nghiệp và nông dân đang rất chủ động các biện pháp ứng phó như sẵn sàng phương án trữ nước ngọt ở hồ, mương… để phục vụ tưới tiêu.
 
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật như tăng cường phân hữu cơ, đậy cỏ trong vườn hoặc chuyển đổi mùa vụ, không cho cây sầu riêng mang trái trong đợt hạn mặn.
 
Ngoài ra, tại huyện có thành lập mô hình Câu lạc bộ sầu riêng Chợ Lách với hơn 100 thành viên. Mô hình này không chỉ giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác mà còn giúp mọi người nhanh chóng nắm thông tin về diễn biến hạn mặn để chủ động ứng phó…

Theo UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), sầu riêng được xem là thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên dù khó khăn nhưng không ai chuyển đổi cây trồng khác. Để ứng phó với mùa hạn mặn 2021, ngành chức năng đã đầu tư xây dựng một số đập tạm, dẫn nước ngọt vào nội đồng phục vụ tưới tiêu.
 
“Hiện tại hầu hết các nhà vườn trồng sầu riêng đều chủ động ứng phó, như trữ nước ngọt ở ao, mương, hay phủ bạt cao su để trữ nước ngọt… Xã cũng thường xuyên kiểm tra, vận động người dân gia cố lại các tuyến đê bao, cống bọng, không cho nước mặn xâm nhập; nghiên cứu làm các hồ tạm để trữ nước ngọt nhằm phục vụ tưới cây lâu dài, nhất là các đợt hạn mặn cao điểm...”, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, nói. 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, mùa hạn mặn năm ngoái, tỉnh đã chi hơn 37 tỷ đồng thuê sà lan vận chuyển hàng triệu mét khối nước ngọt từ Đồng Tháp về các huyện Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy… cứu hơn 13.000ha sầu riêng đặc sản của tỉnh. Năm 2021 này, dự báo hạn mặn không dữ dội như trước nhưng không thể chủ quan, bởi thực tế cho thấy, tình hình hạn mặn ngày càng xâm nhập sâu và phức tạp.

 
Hiện ngành chức năng đang cùng nông dân chủ động nhiều giải pháp ứng phó như gia cố các cống đập ngăn mặn, xây bờ bao bảo vệ vườn cây, nhất là thực hiện nhiều cách trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt để tưới cho vườn sầu riêng trong suốt mùa khô…
 
QUỐC AN - ĐĂNG NGUYÊN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu