Chủ nhật, 12/07/2020,07:32 (GMT+7)
Khơi thông thị trường cho nông sản
Là địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, thị xã Long Mỹ xác định sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển và từng bước khơi thông thị trường tiêu thụ qua việc đa dạng hình thức tiếp cận người tiêu dùng tại địa phương.
Rau an toàn là một trong những sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A.
 
Để đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân và xây dựng thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn cho người nông dân, ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Phòng Kinh tế sẽ phối hợp với các địa phương triển khai những điểm bán hàng an toàn trong thời gian tới. Tiêu chí lựa chọn điểm bán là nơi tập trung đông dân cư, thuận lợi cho người dân tiếp cận hàng hóa, người đứng ra tổ chức, điều hành điểm bán có tâm huyết và khả năng quản lý tốt. Mỗi xã tùy theo điều kiện có thể đăng ký từ 1-3 điểm bán trên địa bàn.
 
Bước đầu, sản phẩm tại các điểm bán chính là hàng hóa từ các mô hình sản xuất an toàn của các tổ hợp tác, hợp tác xã hình thành trong thời gian qua ở thị xã. Tiêu biểu là rau xanh, nấm rơm, gạo và một số loại trái cây như bưởi da xanh, quýt đường… Một số loại thủy sản sắp tới tiếp tục được áp dụng vào quy trình an toàn khi đạt các tiêu chuẩn theo quy định được ngành chức năng kiểm định cũng sẽ đưa vào điểm bán.
 
Điểm nghẽn khi đưa sản phẩm ra thị trường bấy lâu nay ở thị xã Long Mỹ là khó đảm bảo số lượng liên tục và chất lượng không đồng đều. Bởi quy mô sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ, thiếu đầu mối tập hợp và chưa thống nhất về quy trình sản xuất. Vấn đề này được giải quyết khi các hộ tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Tại xã Long Trị, Tổ hợp tác trồng rau an toàn trong nhà lưới đã hình thành từ năm 2017. Đến năm 2020, tổ hợp tác này phát triển lên hợp tác xã nông sản an toàn với 23 thành viên, đồng thời thực hiện thêm nhiều loại rau màu, lúa và nuôi thủy sản. Ngoài tạo ra sản phẩm an toàn, hợp tác xã sẽ đảm bảo kế hoạch sản xuất, thu hoạch hợp lý để luôn có nguồn cung ổn định theo yêu cầu của khách hàng.
 
Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thông tin: Thành viên trong hợp tác xã đều có nhận thức cao về yêu cầu của thị trường và tâm huyết với nông sản an toàn. Bởi đây mới là hướng phát triển lâu dài và ổn định. Trong năm qua, địa phương và ngành nông nghiệp thị xã đã hỗ trợ nhà lưới cho 10 hộ dân để khuyến khích nhân rộng và phát triển thêm diện tích nông sản an toàn.
 
Một sản phẩm nữa dự kiến sẽ có mặt ở các điểm bán nông sản là nấm rơm sản xuất trong nhà. Mô hình được đánh giá là mang lại hiệu quả cả năng suất và chất lượng, có tiềm năng nhân rộng trên địa bàn thị xã. Tại ấp Long Bình 1, xã Long Phú, anh Phạm Văn Thơm là Tổ trưởng tổ hợp tác gồm 7 thành viên đều sở hữu nhà trồng nấm. Hiện nay, riêng anh Thơm mỗi ngày thu hoạch gần 200kg nấm để bán cho các thương lái đi tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh, với giá dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg. Theo anh Thơm tính toán sau 1 năm sẽ thu hồi được vốn và các năm sau bắt đầu cho lãi đều. Tuy vất vả vì hầu hết phải thu hoạch vào ban đêm nhưng năng suất nấm đạt cao hơn so với trồng ngoài trời do ít bị ảnh hưởng thời tiết, bệnh hại.
 
Anh Thơm cho biết có một doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn đến đặt vấn đề thu mua nấm với tổ hợp tác. Các thành viên còn đang xem xét về thời gian, số lượng cũng như kích cỡ thu mua. Năm nay, nhiều hộ muốn tham gia tổ hợp tác nhưng còn e ngại là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trên dưới 100 triệu đồng cho một nhà trồng nấm diện tích khoảng 100m2, bao gồm cả kệ chất rơm. Vừa qua, có 3 thành viên được hỗ trợ kinh phí làm nhà nấm, mỗi người 20 triệu đồng. Năm nay, nếu tiếp tục nhận sự hỗ trợ vốn một phần từ ngành chức năng và chính quyền địa phương, cộng với kinh nghiệm sản xuất có được từ tổ hợp tác thì bà con sẽ bắt tay làm ngay.
 
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho hay: Đối với các mô hình nhiều tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, ngành sẽ đề xuất để các hộ được xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện. Sắp tới, các điểm bán nông sản đi vào hoạt động, mong rằng sẽ góp phần lan tỏa ý thức tiêu dùng sản phẩm an toàn, qua đó đẩy mạnh được khâu tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích người nông dân mạnh dạn hơn nữa trong chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, gắn với quy trình tạo ra sản phẩm an toàn để vươn tới các thị trường lớn trong tương lai.
 
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu