Thứ bảy, 06/06/2020,07:59 (GMT+7)
Không can thiệp dậy thì sớm, trẻ có thể mất 20 cm chiều cao
Với các bệnh nhi, nếu được chẩn đoán dậy thì sớm trung ương nhưng không được điều trị thì khi trưởng thành, chiều cao sẽ thấp hơn các bạn khác cùng trang lứa. Ở nữ, trẻ có thể sẽ thấp hơn 12 cm và ở nam là 20 cm.
Không can thiệp dậy thì sớm, trẻ có thể mất 20 cm chiều cao
Tỷ lệ trẻ đến khám, điều trị vì dậy thì sớm tăng cao trong những năm gần đây.
 
Tỷ lệ dậy thì sớm ở nữ cao hơn nam
 
Tuổi dậy hiện nay được tính ở mốc 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi ở trẻ trai. Nếu như 10 năm trước, tỷ lệ trẻ đến khám vì dậy thì sớm chỉ khoảng 10 cháu thì đến nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 100 cháu đến khám. Hiện tại, bệnh viện đang quản lý hơn một nghìn trẻ dậy thì sớm và đang có hơn 500 cháu được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc.
 
BS Bùi Phương Thảo, khoa Nội tiết – Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại: dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.
 
Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, có bệnh lý di truyền gây tiết hooc môn sinh dục. Dậy thì sớm trung ương có sự bất thường trong não, có khối u trong não gây kích thích tuyến sinh dục.
 
Theo đó, nếu trẻ nữ có đặc tính sinh dục trước 8 tuổi (phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt…) và trẻ nam trước 9 tuổi (có cơ bắp, ria mép, giọng ồm…), chiều cao tăng nhanh hơn 6 cm/năm thì sẽ được nhận định là dậy thì sớm.
 
Hiện nay, tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm chỉ khoảng vài tháng tuổi vì những bệnh nhi này đều mắc bệnh lý di truyền. Ở dậy thì sớm trung ương, bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhi nữ 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.
 
Để chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung buồng trứng, khối thượng thận… Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.
 
Theo BS Thảo, tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, cứ có một trẻ nam thì có tới 20 trẻ nữ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nếu trẻ nam dậy thì sớm thì tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn. “Nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương 90-95% ở nữ là vô căn, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não. Vì thế, chúng tôi chỉ định chụp MRI tất cả trẻ trai để chẩn đoán”, BS Thảo cho hay.
BS Bùi Phương Thảo chia sẻ thông tin về dậy thì sớm.
 
BS Thảo cũng khuyên các gia đình cần theo dõi trẻ sát sao và có chế độ dinh dưỡng hợp lý với trẻ nhỏ. Trẻ béo phì, sớm tiếp cận với những phim của người lớn là những yếu tố dẫn tới trẻ có thể dậy thì sớm. BS Thảo cũng khẳng định, cũng chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định trẻ uống sữa sẽ bị dậy thì sớm.
 
Can thiệp sớm sẽ cải thiện chiều cao của trẻ
 
Với dậy thì sớm ngoại biên, nếu bệnh nhân được xác định nguyên nhân do u buồng trứng, u vỏ tuyến thượng thận phải can thiệp bằng các biện pháp đặc biệt. Nếu trẻ bị bệnh về di truyền làm tăng hoocmon sinh dục như bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh khi được điều trị bằng hoocmon thay thế, đặc tính dậy thì sớm đỡ hơn.
 
Với dậy thì sớm trung ương, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc chất GnRH đồng vận, để ngăn chặn làm tuyến yên không tiết ra nhiều chất gonadotpopin.
 
“Với trẻ dậy thì sớm trung ương, trước 6 tuổi điều trị bằng thuốc có tác dụng tốt, chúng tôi đều khuyên các gia đình nên điều trị. Ở tuổi 6-8 tuổi, bác sĩ sẽ trao đổi với gia đình giải thích lợi ích tác dụng của thuốc, mất mát về chi phí, tác dụng phụ… và việc quyết định có điều trị hay không phụ thuộc vào đứa trẻ. Với trẻ trai dưới 9 tuổi, nếu không có bệnh lý thì chúng tôi cũng cân nhắc việc điều trị”, BS Thảo nói.
 
Trong 20 năm điều trị dậy thì sớm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định thuốc có tác dụng rõ ràng trong làm chậm quá trình dậy thì. Trong đó, đặc biệt sẽ giúp cải thiện chiều cao của trẻ. Theo dõi những trẻ điều trị ức chế dậy thì, các bác sĩ thấy khi những trẻ này lớn lên lập gia đình vẫn có khả năng sinh con như những người phụ nữ bình thường khác, không có tác dụng phụ nào với buồng trứng.
 
Bình thường, con người có tuổi xương và tuổi thực bằng nhau, nhưng với trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Vì thế, những trẻ này sẽ ngừng phát triển sớm hơn so với các bạn khác. Trung bình các bạn dậy thì sớm trung ương có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn khác, như ở nữ là 12 cm và ở nam khoảng 20 cm. Nếu được tiêm thuốc, trẻ sẽ được cải thiện chiều cao rõ ràng từ 8-10 cm.
 
“Trẻ nữ dậy thì sớm không điều trị chỉ cao 1m50, nếu được điều trị liên tục đến 7 tuổi thì chiều cao lên tới 1m58-1,60cm. Nếu tuổi điều trị tăng hơn tuổi mốc 6-8 tuổi thì trẻ chỉ cải thiện 2-3 cm hoặc có trẻ không cải thiện cm nào”, BS Thảo nói.
 
Hiện nay, bệnh nhân điều trị ức chế dậy sẽ được tiêm liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi có tuổi xương 11-12 tuổi, với liệu trình 28 ngày/một mũi tiêm. Nhiều bệnh nhi được phát hiện dậy thì sớm lúc 6 tuổi (do tuổi xương của trẻ chênh tới ba năm, ở mốc 9 tuổi) và gia đình đã kiên trì điều trị cho trẻ đến năm 10 tuổi thì đến nay, ở mốc 16 tuổi, trẻ cũng phát triển tốt, cao 1m60.
 
Theo BS Bùi Phương Thảo, hiện nay, một số địa phương đã đủ năng lực chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm. Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương có thể được chuyển tuyến về địa phương để điều trị, các bác sĩ tuyến trên chỉ đánh giá khi kết thúc quá trình điều trị.
 
THIÊN LAM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu