Không thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối trong Bài kiểm tra tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội
Kết quả đánh giá đối với hơn 5 nghìn thí sinh qua Bài kiểm tra tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội là có 10% thí sinh tham dự đạt từ 7,5 điểm trở lên, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối, có 1 thí sinh đạt điểm cao nhất là 9,73 điểm.
Thí sinh tham gia Bài thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa ngày 15-8 (Ảnh: HUST)
Trường đại học Bách Khoa Hà Nội vừa công bố điểm Bài kiểm tra tư duy, thực hiện đối với hơn 5 nghìn thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh vào trường năm học này. Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả Bài kiểm tra tư duy. Cách tính điểm là tổ hợp A19, bao gồm Toán và Lý, hoặc tổ hợp A20, gồm Toán và Hóa, cộng điểm Bài kiểm tra tư duy nhân đôi (quy về thang điểm 30), có tính điểm ưu tiên.
Năm nay, cùng với phương thức xét tuyển tài năng (trong đó có xét tuyển theo hồ sơ năng lực), phương thức xét kết hợp điểm Bài Kiểm tra tư duy sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh trong quá trình xét tuyển vào Trường. Theo cán bộ tư vấn tuyển sinh, điểm xét tuyển của thí sinh đăng ký tổ hợp A19, A20 sẽ khác với điểm của các tổ hợp truyền thống. Do vậy thí sinh nên sử dụng cả kết quả tổ hợp A19 hoặc A20 và các tổ hợp truyền thống cho cùng một mã tuyển sinh để tăng khả năng đỗ vào ngành yêu thích.
Theo kết quả do nhà trường công bố, hơn 70% đạt trên trung bình; 10% thí sinh đạt từ 7,5 điểm trở lên; 1,5% thí sinh đạt từ 8,5 điểm trở lên. Không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối, chỉ có một bài thi đạt điểm cao nhất là 9,73 điểm, thuộc về thí sinh Nguyễn Trung Hải, là học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.
Những thí sinh, có nguyện vọng phúc khảo, nộp đơn từ 27-8 đến 4-9. Thí sinh có thể phúc khảo cả bài thi hoặc từng phần: trắc nghiệm hoặc tự luận. Kết quả sẽ được công bố ngay sau khi công tác phúc khảo kết thúc vào ngày 10-9.
Nhà trường cho biết đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho Bài kiểm tra tư duy, từ khâu lên ý tưởng, thảo cấu trúc, soạn đề cương cho đến các khâu ra đề nguồn, thẩm định và làm đề thi, để vừa phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam vừa tiếp cận với thế giới.
Nội dung bài thi yêu cầu thí sinh suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Một số chuyên gia nhận xét đề thi này tạo áp lực lớn về mặt thời gian nên rất khó xảy ra gian lận thi cử” – PGS,TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.
Trong giai đoạn tiếp theo, Nhà trường cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện phương thức thi này để mở rộng phạm vi áp dụng. cũng như cải tiến các hình thức xét tuyển với mục đích chọn lựa được những học sinh có năng lực, phẩm chất và tư duy phù hợp với các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ.