Chủ nhật, 02/08/2020,22:03 (GMT+7)
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Đa phần du khách khi đến miền Tây Nam Bộ, khi đến TP Bạc Liêu đều không quên ghé qua Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
 
Khu Lưu niệm có tổng diện tích hơn 12.000m2, là nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ, đồng thời là nơi bảo tồn, trưng bày và lưu niệm nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
 
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.
 
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu lưu niệm.
 
Khu lưu niệm bao gồm nhiều công trình như: khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cậy đàn kìm, sân khấu ngoài trời…
 
Chị hướng dẫn viên Khu lưu niệm giới thiệu với chúng tôi về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có giọng nói nhẹ nhàng đặc trưng của các cô gái miền Tây Nam Bộ. Qua đó, chúng tôi được biết nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An).
 
Ông được ảnh hưởng về nghệ thuật từ người cha là Cao Văn Giỏi là bần cố nông, nhưng có thời gian là nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, làm thầy tuồng cho gánh hát bội.
 
Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu bằng sáp bên trong Khu lưu niệm.
Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu bằng sáp bên trong Khu lưu niệm.
 
Khi chưa đầy 4 tuổi, Cao Văn Lầu đã theo bố mẹ đi tha phương, cuối cùng định cư tại phường 2, thị xã Bạc Liêu. Năm 1908, ông theo thầy Nhạc Khị học nhạc lý và là một học trò giỏi nhất của thầy. Năm 1913, ông lấy vợ là bà Trần Thị Tấn, một cô gái ngoan hiền ở điền Tư Ô. Tuy nhiên, vợ chồng ông chung sống được 3 năm nhưng không có con nối dõi.
 
Thời đó, do bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến hẹp hòi “Tam niên vô tử bất thành thê”, nên mẹ ông buộc ông phải chia tay với vợ. Lòng nhớ thương người vợ đã là đề tài để ông sáng tác nên một tuyệt tác “Dạ cổ hoài lang”, nhưng lại mang nội dung tâm tư người vợ thương nhớ chồng.
 
Nói về tác phẩm này, nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam – Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê nhận định: “Dạ cổ hoài lang sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.
 
Dù đã hơn trăm năm qua, nhưng tuyệt tác “Dạ cổ hoài lang” là niềm tự hào không vơi của người dân Nam Bộ, nó mang lại sự thay đổi một phần cho nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và cải lương Việt Nam nói chung.
 
Khu công viên Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bạc Liêu trong khuôn viên Khu lưu niệm.
Khu công viên Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bạc Liêu trong khuôn viên Khu lưu niệm.
 
Du khách đến Khu lưu niệm còn ấn tượng với tượng đài ống tre sừng sững ngay khi bước qua cổng chính. Tượng đài này chính là chiếc đàn kìm, biểu tượng của đờn ca tài tử Nam Bộ được cách điệu hình đốt tre.
 
Đằng sau biểu tượng đàn kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” được khắc phía sau. Khu công viên với biểu tượng các loại nhạc cụ dùng biểu diễn đờn ca tài tử và hát cải lương cũng tạo nhiều ấn tượng với du khách.
 
Kế bên đó là nhà trưng bày lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các trang phục của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Một số nhạc cụ, trong đó có cây đàn cò của giáo sư Trần Văn Khê, cây đàn guitar của nhạc sĩ ưu tú Văn Giỏi… Đặc biệt nơi đây còn phục dựng tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu và cảnh đờn ca tài tử bằng mô hình sáp kích thước bằng người thật rất sinh động.
 
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là lựa chọn của hầu hết các du khách khi đến Bạc Liêu, để tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa. Qua đó, du khách còn tìm hiểu sâu hơn về đờn ca tài tử, môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013.
 
Nhà hát Cao Văn Lầu nhìn từ Quảng trường Hùng Vương.
Nhà hát Cao Văn Lầu nhìn từ Quảng trường Hùng Vương.
 
Nếu đã đến Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bạn nên ghé qua Nhà hát Cao Văn Lầu cách Khu lưu niệm không xa. Nhà hát được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá đan xen ngay sát Quảng trường Hùng Vương. Công trình xác lập kỷ lục 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam.
 
Ba khối nhà hình nón cao 3 tầng, được đặt bên cạnh hồ cảnh có diện tích 1.800m2, giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghệ thuật đặc trưng của miền Tây Nam Bộ và là niềm tự hào nhiều năm qua của người dân Bạc Liêu.
 
Anh Vũ - (baoquangninh.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu