Thứ bảy, 25/04/2020,08:02 (GMT+7)
Khuyến khích nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu, phát triển và triển khai khoa học và công nghệ (KH và CN) của các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm có chức năng, nhiệm vụ về KH và CN, đồng thời là tiêu chí đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của đơn vị đó nói riêng và của quốc gia nói chung. Thời gian qua, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động SHTT, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và nhiều giải pháp công nghệ đã được thương mại hóa.
Khuyến khích nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ
Nghiên cứu phân tích đi-ô-xin trong môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
 
Trong hai năm gần đây, số Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam tăng đáng kể. Năm 2018 có 50 bằng; năm 2019 có 52 bằng, tăng 25% so với năm 2017, trong đó, có sáu công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất. Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam còn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng bài báo công bố quốc tế. Những năm trước đây, mỗi năm, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam có khoảng từ 30 đến 40 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, các nhà khoa học chưa nhận thức sâu sắc việc đăng ký SHTT cho các tài sản trí tuệ của mình, mà chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu để công bố quốc tế. Theo PGS, TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam), có được kết quả nêu trên là nhờ chủ trương đúng đắn của lãnh đạo Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam về khuyến khích và tạo điều kiện cao nhất cho các hoạt động liên quan đến SHTT. Năm 2017, Ðảng ủy Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam có Nghị quyết đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là tăng cao số lượng sản phẩm phát triển công nghệ; tăng cường đưa sản phẩm công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao thu nhập cho các nhà khoa học, trau dồi kinh nghiệm và tạo động lực, sáng tạo mới trong hoạt động KH và CN... Khi thực hiện, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ đã nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động SHTT gắn với đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016 - 2020. Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam xây dựng ba chương trình nhiệm vụ KH và CN liên quan công tác SHTT và ứng dụng kết quả nghiên cứu, gồm: Phát triển công nghệ; sản xuất thử nghiệm và sản phẩm thương mại. Trong đó, đáng chú ý là các đề tài, dự án tham gia ba chương trình nêu trên được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và "đầu ra" bắt buộc phải có đăng ký SHTT và có sản phẩm thương mại mà dự án tạo ra. Ðặc biệt, đối với dự án "Sản phẩm thương mại", đầu vào phải có văn bằng SHTT để đối ứng, minh chứng tính khả thi của sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học được nâng cao nhận thức về kỹ năng khai thác, hoàn thiện hồ sơ SHTT. Hằng năm, Viện Hàn lâm KH và CN đều đánh giá và trao thưởng cho các nhà khoa học có văn bằng SHTT, có quy chế xử phạt đối với các nhiệm vụ KH và CN bị chậm hoặc không hoàn thành việc đăng ký SHTT.
 
Theo các nhà khoa học, chủ trương hỗ trợ nhà khoa học đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích của Viện Hàn lâm KH và CN rất hiệu quả, đã giải quyết được tình trạng bất cập lâu nay, đó là nhà khoa học chưa chú trọng đăng ký SHTT, trong khi doanh nghiệp rất cần các chứng nhận về SHTT để định lượng giá trị của nghiên cứu và đầu tư thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà khoa học và doanh nghiệp đã đến được với nhau để cùng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội. PGS, TS Ðặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học cho biết, trước đây, cán bộ khoa học chưa hiểu vai trò của đăng ký SHTT, nhưng hiện nay đã có những chuyển biến trong nhận thức. Doanh nghiệp sẽ ngại nhận chuyển giao một công trình nghiên cứu khoa học nếu không có Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ khoa học chưa sẵn sàng để thực hiện việc đăng ký SHTT, có thể bước đầu làm các thủ tục để đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích sẽ vấp phải khó khăn, nhất là việc viết bản mô tả, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Ðể đi đường dài, bên cạnh nghiên cứu cơ bản, nhà khoa học cần có các sản phẩm để doanh nghiệp chấp nhận đầu tư, sản xuất, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cho xã hội. TS Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng Phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ môi trường chia sẻ, bảo hộ SHTT là sự đánh giá của cơ quan chuyên môn về kết quả nghiên cứu có tính mới, và khi văn bằng bảo hộ SHTT đó được doanh nghiệp nhận chuyển giao có nghĩa là kết quả nghiên cứu thêm một lần nữa được xã hội ghi nhận. Thực tế, các nghiên cứu có đăng ký SHTT dễ chuyển giao hơn. SHTT tuy là khái niệm trừu tượng, nhưng lại có vai trò rất lớn đối với nhà khoa học và
xã hội.
 
Theo Cục SHTT, thời gian qua, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam là đơn vị đi đầu trong công tác tập hợp, khuyến khích nhu cầu đăng ký sáng chế từ các nhà khoa học, đồng thời chủ động xây dựng quy chế, chính sách về SHTT trong đơn vị và thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT. Những kết quả về đăng ký SHTT của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam là mô hình cho một số địa phương, trường đại học học hỏi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
 
HÀ LINH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu