Thứ sáu, 26/04/2019,09:53 (GMT+7)
KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định nhằm thay thế Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Hiện Dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ ban hành.

Chưa có ảnh

Nhà nước có các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây dựng mới

Nhiều ưu đãi cho vật liệu xây dựng mới

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phát triển vật liệu xây dựng, Nhà nước có các chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới và tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sử dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt để làm nhiên liệu, nguyên liệu.

Các Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng nằm trong địa bàn được ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Ưu tiên khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch VLXD một cách tổng thể

Nhằm định hướng phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả, việc quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đóng một phần quan trọng. Dự thảo Nghị định nêu rõ nội dung việc quy hoạch tổng thể gồm xác định vị trí, vai trò của ngành đối với nền kinh tế quốc dân và các mục tiêu phát triển của ngành. Phân tích, dự báo nhu cầu các yếu tố phát triển ngành, các tiềm năng về tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các nguồn lực, thị trường, các yếu tố công nghệ và các yêu cầu về năng lực cạnh tranh của ngành. Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển của ngành vật liệu xây dựng cả nước, hiện trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tiềm năng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các nguồn lực đầu tư cho phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp về quản lý và huy động nguồn lực, thực trạng phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ, cơ cấu chủng loại, sản phẩm chủ yếu, đầu tư, công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất và năng lực cạnh tranh.

Đối với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu phải phân tích, đánh giá những thông tin, số liệu về tiềm năng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng của cả nước về các sản phẩm liên quan và các nguồn lực khác mà Việt Nam có thế mạnh để phát triển vật liệu xây dựng. Dự báo thị trường tiêu thụ trong nước, khu vực, thế giới, dự báo xuất nhập khẩu về sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu. Xây dựng các phương pháp tính toán nhu cầu thị trường theo các mốc thời gian và lợi thế cạnh tranh. Đề xuất các nguyên tắc và các phương án cân đối cung - cầu đối với sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu theo các mốc thời gian.

Quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị

Nhằm quản lý nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Dự thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Xây dựng là xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm vật liệu xây dựng. Thống nhất quản lý các hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm vật liệu xây dựng.

UBND cấp tỉnh, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của địa phương. Trong đó, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Xây dựng về các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của địa phương.

Thành Luân - (vibm.vn)
T/h: Y Phương - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu