Thu hoạch hàu nuôi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2010 - 2020, diện tích nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, phát triển mạnh. Nếu như năm 2010, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh khoảng 2.700 ha thì đến năm 2020, diện tích này tăng lên 22.700 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Sản lượng nhuyễn thể năm 2010 khoảng 8.190 tấn, đến năm 2019 là 61.386 tấn và dự tính năm 2020 đạt 74.200 tấn.
Các đối tượng nhuyễn thể nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh như: sò lông, sò huyết, nghêu lụa, hến biển, vẹm xanh… Sò huyết được nuôi nhiều ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất trên vùng bãi bồi ven biển, nuôi dưới tán rừng phòng hộ và xen canh trong đầm vuông nuôi tôm, tổng diện tích hơn 8.700 ha, sản lượng năm 2020 dự tính khoảng 19.000 tấn.
Hến biển nuôi ở bãi bồi ven biển hai huyện An Biên và An Minh, tổng diện tích 7.000 ha, sản lượng năm 2020 dự tính khoảng 29.000 tấn. Các loại sò lông, nghêu lụa, vẹm xanh nuôi vùng ven biển các huyện Kiên Lương, Hòn Đất và thành phố Hà Tiên, với tổng diện tích khoảng 7.000 ha, sản lượng năm 2020 dự tính hơn 26.200 tấn.
Ngoài ra, một số đối tượng nhuyễn thể được nuôi lồng bè, đăng lưới trên biển như: ốc hương, hàu, ngọc trai, ốc nhảy… nhưng diện tích còn rất nhỏ so với các đối tượng nhuyễn thể chủ lực và còn quá ít so với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phép phát triển nuôi những đối tượng nhuyễn thể này; trong đó, ngọc trai được nuôi tập trung ở huyện đảo Phú Quốc để lấy ngọc và những sản phẩm khác từ đối tượng nhuyễn thể này phục vụ khách du lịch đến đảo.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, hình thức nuôi nhuyễn thể dưới tán rừng rất có tiềm năng kết hợp với du lịch sinh thái đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và góp phần tăng thu nhập cho hộ nuôi. Tiếp đến, nuôi trai lấy ngọc ở đảo Phú Quốc kết hợp với hoạt động du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù riêng của huyện đảo Phú Quốc.
Hàng nghìn ha rừng ngập ven biển đã được tỉnh Kiên Giang giao khoán cho các hộ dân bảo vệ, khôi phục phát triển rừng ngập mặn, sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp; trong đó, có nuôi sò huyết, mỗi năm thu về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/ha. Tiếp đến, tỉnh giao khoán hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê hàng chục nghìn ha bãi bồi, bãi triều ven biển để nuôi các đối tượng nhuyễn thể.
Tùy vào đối tượng nuôi, giá cả thị trường và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, nuôi nhuyễn thể, mỗi ha lợi nhuận từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/vụ. Ngoài ra, nuôi nhuyễn thể góp phần giải quyết việc làm ổn định, tăng thêm nguồn thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương và khôi phục phát triển tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn các huyện của tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất lợi cần những giải pháp đồng bộ để phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả. Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; xuất hiện dịch bệnh gây hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ nuôi, thậm chí gây chết trắng các loài nhuyễn thể trên một khu vực.
Sản lượng giống nhuyễn thể ngày càng suy giảm; tình trạng khai thác mang tính tận diệt chưa được ngăn chặn triệt để. Nạn khai thác trộm các đối tượng nhuyễn thể còn diễn ra thường xuyên. Ảnh hưởng từ việc vận hành cống ngăn mặn, giữ ngọt ven biển gây biến động, bất lợi môi trường sống của các đối tượng nhuyễn thể. Nuôi nhuyễn thể ven bờ dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, xả cống ngăn mặn, xả lũ, mưa bão, áp thấp nhiệt đới…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, để phát triển ổn định, an toàn, bền vững, hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh quy hoạch, bố trí lại nghề nuôi nhuyễn thể trên biển hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện môi trường sinh thái thích hợp, tỷ lệ sống cao, nhuyễn thể sinh trưởng phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh. Ngành chức năng thường xuyên quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho hộ nuôi chủ động phòng tránh, xử lý hiệu quả, an toàn; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhuyễn thể cho các hộ dân.
Tỉnh cũng xây dựng, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nhuyễn thể để tiếp tục tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực ngành nghề kinh tế này. Qua đó, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị như thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng, ứng phó hiệu quả với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đầu tư phát triển, nuôi hiệu quả một số đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao như: ngọc trai, ốc hương, hàu, ốc nhảy…; chú trọng phát triển mạnh mô hình nuôi nhuyễn thể dưới tán rừng kết hợp với du lịch sinh thái.