Các đại biệu tham dự hội thảo cùng xã viên HTX Thuận Phát dùng chài để kiểm tra sự phát triển của tôm trong mô hình nuôi tôm, cua kết hợp. Ảnh: Trung Chánh.
Mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến, được thực hiện tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Phát (ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng, An Minh, Kiên Giang), với 24 hộ xã viên, diện tích canh tác 82 ha, sản xuất theo mô hình luân canh tôm, cua – lúa.
Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, con giống với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Cty CP Bồ Đề - Bạc Liêu là đơn vị trúng thầu cung cấp các dịch vụ cho xã viên.
Ông Lê Thế Sua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Phát cho biết, năm nay tình hình nắng hạn diễn ra khá gay gắt, độ mặn tăng cao, khiến cho việc nuôi tôm, cua của bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tham gia mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến, nông dân được tập huấn kỹ thuật, cung cấp vật tư, con giống chất lượng, xử lý môi trường nuôi bằng sản phẩm sinh học Bồ Đề, đã tạo ra môi trường tốt cho tôm, cua phát triển. Cụ thể, có 24 hộ được hỗ trợ tôm giống với số lượng hơn 1,3 triệu con, 3 hộ nhận cua giống số lượng trên 12 ngàn con và chế phẩm Bồ Đề xử lý môi trường nước là 906 lít.
Tham gia mô hình nuôi tôm, cua kết hợp, sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề xử lý môi trường, xã viên HTX Thuận Phát trúng mùa, thu lơi nhuận hàng chục triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.
Kết quả, đến nay nông dân đã thu hoạch tôm với năng suất trung bình đạt 300 kg/ha, giá bán 150 ngàn/kg, tổng thu của 82 ha là gần 3,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mức lãi trung bình 25 triệu đồng/ha. Còn 3 hộ nuôi cua cũng đã thu hoạch trung bình 300 kg cua thương phẩm/ha, giá bán 170 ngàn/kg, tổng thu 255 triệu, sau khi trừ chi phí lãi 31 triệu đồng/ha.
“Trong bối cảnh thời tiết bất lợi, nhiều nơi bị thiệt hại, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm, cua đều ở mức thấp nhưng xã viên HTX vẫn thu hoạch đạt năng suất, thu được lợi nhuận như vậy là điều rất đáng mừng”, ông Sua đánh giá.
Anh Trần Văn Nguyên, xã viên có 2 ha đất tham gia mô hình cho biết: “Hơn chục năm chuyển đổi mô hình tôm, cua – lúa, năm nào cao nhất cũng chỉ thu hoạch được khoảng 500-600 kg. Nhưng năm nay nhờ xử lý môi trường nước tốt, nuôi đạt hiệu quả, đến nay đã bắt tôm, cua được hơn 1 tấn, bán được trên 160 triệu. Hiện dưới vuông nuôi vẫn còn, khả năng thu hoạch dứt điểm trước khi chuyển qua vụ lúa, sẽ thu đạt tổng doanh thu khoảng 200 triệu đồng”.
Ông Lê Thế Sua, GĐ HTX Thuận Phát cùng các đại biểu đánh giá chất lượng tôm, cua thu hoạch từ mô hình sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Khu vực Cty CP Bồ Đề - Bạc Liêu cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, chế phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản, tình trạng con giống, thức ăn bán tràn lan, khiến nông dân gặp khó khăn, không biết đâu là hàng thật, hàng giả. Việc nông dân sử dụng hóa chất trong thời gian dài, dẫn đến ô nhiễm, thoái hóa môi trường. Sản phẩm sinh học Bồ Đề giúp nông dân xử lý môi trường hiệu quả, tạo ra môi trường nuôi tôm, cua hiệu quả, đạt năng suất và là ra sản phẩm sạch, bán được giá tốt.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, ông Doãn Tấn Đạt, đánh giá mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến đạt được kết quả cao, cần được nhân rộng tại địa phương. Cụ thể, hiệu suất đầu tư đạt lợi nhuận đối với con tôm là trên 55%, cua là 60%, đây là mức lợi nhuận khá cao. Mô hình mang tính bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhà nông.
Đ.T.CHÁNH - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)