Chủ nhật, 01/11/2020,15:53 (GMT+7)
Kiên trì thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước vào sáng 31-10. Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, đến dự hội nghị. Tại hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các tỉnh, thành, trường đại học bàn về đổi mới giáo dục; trong đó, có việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Các đại biểu dự điểm cầu Cần Thơ.
 
►Thành quả...
 
Theo Bộ GD&ÐT, năm học 2019-2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT. Toàn ngành hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học.
 
Trong 2 đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam vừa qua, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, với gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học. Nhiều phương pháp, hình thức giáo dục mới được triển khai một cách sáng tạo, linh hoạt; nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành. Năm học qua, Việt Nam có 24/24 lượt thí sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt giải, gồm: 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương đồng và bằng khen.
 
Ngành GD&ÐT cùng các địa phương đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, THCS… Ðặc biệt, toàn ngành đã triển khai thực hiện trên toàn quốc Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK), xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục địa phương đều được thực hiện chặt chẽ, bài bản; chuẩn bị chu đáo giáo viên, cơ sở vật chất để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT mới. Ngành Giáo dục các địa phương đã tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực trong thực hiện chương trình GDPT hiện hành.
 
Theo lãnh đạo ngành GD&ÐT TP Cần Thơ, gần 2 tháng qua, việc triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1 ở các trường trên địa bàn khá thuận lợi. Cán bộ quản lý, giáo viên đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện. Các trường tiểu học đã tổ chức chỉ đạo việc dạy và học theo Chương trình GDPT mới đi vào nề nếp, ổn định. Cơ sở vật chất, phòng, lớp trên địa bàn đảm bảo đáp ứng yêu cầu; tất cả học sinh lớp 1 đều được học 2 buổi/ngày. 
 
►Huy động nguồn lực cho GD&ĐT
 
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành trên cả nước nêu băn khoăn trong quá trình thực hiện công tác đổi mới GD&ÐT; nhất là việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1 năm học 2020-2021. Cụ thể, tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết; chất lượng đội ngũ không đồng đều; cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp, thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp...
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Ðỗ Ðức Duy, do đặc thù là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, nên việc triển khai đổi mới giáo dục ít nhiều gặp khó khăn. Ông Ðỗ Ðức Duy kiến nghị: “Bộ ngành Trung ương cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đồng bộ, hiện đại; rà soát điều chỉnh quy định về định mức giáo viên cho phù hợp với thực tế… để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục”. Ông Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: Tỉnh vẫn còn 1.082 điểm trường lẻ, gây nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Ðể thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới, tỉnh rất cần bổ sung thêm 7.000 biên chế giáo viên mầm non, cũng như cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
 
Tại ÐBSCL, một số địa phương cũng mong muốn có cơ chế chính sách trong tuyển dụng đội ngũ giáo viên cho cấp học mầm non, tiểu học để công cuộc đổi mới GD&ÐT hiệu quả hơn. Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, với nghị định mới, cả nước thiếu rất nhiều giáo viên mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là không có nguồn tuyển nếu theo quy định mới. Ðề nghị Bộ GD&ÐT nghiên cứu, đề xuất cho phép tỉnh tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trong giai đoạn chuyển giao này. Tất nhiên, người được tuyển sẽ cam kết học tập nâng cao trình độ trong quá trình giảng dạy. Về thẩm định chương trình, SGK mới, bà Thanh đề xuất: “Bộ quan tâm, lấy ý kiến rộng hơn tất cả giáo viên - người giảng dạy trực tiếp học sinh. Tăng thời lượng tập huấn chương trình, SGK mới cho giáo viên, bởi thời lượng tập huấn 2 ngày hiện nay là quá ngắn, nên khó phát hiện những sai sót trong SGK. Ðồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa đối với vùng khó khăn. Khi điều kiện dạy tốt thì thầy và trò mới có thể phát huy năng lực, nâng cao chất lượng dạy học”.
Giờ học của thầy trò Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng cho rằng, tùy thực tế, Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ cần linh động tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển giáo viên. Ðối với vùng đồng bào dân tộc miền núi, giáo viên của bậc học mầm non chỉ cần có trình độ trung cấp; tiểu học nên là giáo viên có trình độ cao đẳng. “Tỉnh hiện có 9 huyện miền núi, nên rất mong Bộ có quy định mở riêng đối với miền núi, khắc phục tình trạng số lượng đăng ký thi tuyển giáo viên thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng do khó khăn về nguồn tuyển” - ông Tân nói.
 
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Minh Hiển, đổi mới giáo dục là công việc rất khó khăn, đòi hỏi thời gian và công sức, tập trung nỗ lực của toàn ngành, toàn xã hội. Ông Hiển nói: “20 năm trước khi ngành GD&ÐT tiến hành đổi mới, cũng xảy ra những ý kiến, thậm chí búa rìu từ dư luận. Cần bình tĩnh, tiếp thu các ý kiến của dư luận, có giải trình và cầu thị đúng mức. Việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông hết sức quan trọng, cần sự nỗ lực của toàn ngành và hệ thống chính trị xã hội”.
 
Dự và chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Việt Nam tự hào là nước có thu hút đầu tư lớn. Một trong yếu tố tạo nên điều này là môi trường chính trị ổn định và nguồn nhân lực tốt. Ðây là công lao, nỗ lực của hơn 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng triệu cựu giáo viên - lực lượng hết sức tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Ðặc biệt là nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền đã dành sự ưu ái, quan tâm lớn cho giáo dục… Theo Phó Thủ tướng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Trong việc tinh giản biên chế, không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Ngoài vấn đề trường lớp, lãnh đạo các tỉnh, thành cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Giáo dục phổ thông, nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, để đủ trường lớp, giáo viên, đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ ngày. Ðổi mới giáo dục là một quá trình và toàn hệ thống chính trị - xã hội phải rất kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới theo kịp xu hướng của thế giới.
 
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT kêu gọi toàn thể đại biểu tất cả điểm cầu đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ. Tại Cần Thơ, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo các sở ban ngành thành phố, trường đại học, cao đẳng… trên địa bàn đã nhiệt tình đóng góp ủng hộ, hướng về miền Trung.
 
Bài, ảnh: BÍCH KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu