Thứ hai, 06/04/2020,07:31 (GMT+7)
Kịp thời giải ngân nguồn vốn ưu đãi
Triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua ngành ngân hàng (NH) đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn, giải ngân nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay,… góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những DN được “tiếp sức” kịp thời, vẫn có DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Kịp thời giải ngân nguồn vốn ưu đãi
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19.
 
Kỳ vọng đòn bẩy vốn
 
Cùng với những chính sách hỗ trợ tài khóa, gói hỗ trợ tín dụng 285 nghìn tỷ đồng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được các DN trông chờ và đặt nhiều kỳ vọng như một đòn bẩy giúp họ vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương, đến thời điểm này, nhờ có Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Sun Group đã nhận được sự hỗ trợ của các đối tác NH trong việc giảm lãi suất từ 0,5-1% và kéo dài thời gian trả nợ đối với các khoản vay. Ngoài giảm lãi suất, chính sách giãn nợ, tái cấu trúc khoản vay của NH có tác dụng giúp Sun Group giãn được thời gian trả nợ do dòng tiền bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Dự báo tình hình kinh doanh đến hết năm 2020, doanh thu sụt giảm 70% so với kế hoạch năm 2020 và sụt giảm 80% so với năm 2019. Ðiều này khiến cho dòng tiền của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, sự hỗ trợ của NH đã phần nào giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng trong giai đoạn khó khăn để có động lực tái cơ cấu, đầu tư cho giai đoạn bùng nổ sau dịch” - bà Bùi Thị Thanh Hương cho biết.
 
Cũng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong quý I doanh thu của Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm (đơn vị vận hành kinh doanh các dịch vụ và danh thắng Yên Tử) cũng sụt giảm khoảng 69% so với năm 2019, kéo theo doanh thu cả năm 2020 ước tính chỉ đạt khoảng 105 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2019. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, các NH đang tài trợ vốn như BIDV, Vietcombank, Agribank đã đến gặp gỡ DN và khảo sát xem xét những khó khăn mà DN đang gặp. “Các NH thật sự đã vào cuộc với DN trong những ngày qua để cùng tìm ra những giải pháp về tài chính. Cho đến thời điểm này, thực hiện Thông tư 01 của NHNN thì tất cả các NH cũng đang tính đến phương án giãn toàn bộ dư nợ cho chúng tôi trong năm 2020 và hỗ trợ về lãi suất. Ðặc biệt, BIDV đã có thông báo giảm lãi suất 1% trên dư nợ 500 tỷ đồng đến hết ngày 31-12-2020 (tương đương 5 tỷ đồng/năm)” - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ.
 
Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp cơ cấu, giãn nợ, hạ lãi suất,… từ phía các NH, nhiều DN cũng đang ngóng chờ được NH cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, tính đến hết quý I năm 2020 có 7 trong số 19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi, trong đó, thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Việc phải dừng toàn bộ đường bay quốc tế và khai thác đường bay nội địa ở mức tối thiểu đã khiến cho hãng hàng không quốc gia cạn kiệt cả nguồn tiền dự trữ tích luỹ nhiều năm qua và phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Vietnam Airlines rất cần nguồn hỗ trợ khoảng 12 nghìn tỷ đồng giải ngân ngay từ tháng 4 với vai trò là một trong những giải pháp mang tính cấp bách để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Nhưng đại diện hãng cho biết, đến nay, Vietnam Airlines vẫn chưa tiếp cận được những gói hỗ trợ tín dụng 285 nghìn tỷ đồng từ phía các NH.
 
Tiếp tục những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể
 
Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai các gói hỗ trợ cần thực hiện kịp thời và đúng địa chỉ. Trong đó, đối tượng ưu tiên hàng đầu là các DN hoạt động trong lĩnh vực hàng không và du lịch, nghỉ dưỡng vì đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và chưa ai có thể đưa ra thời hạn khi nào tình trạng này sẽ kết thúc. “Là một trong các DN du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là NHNN và các NHTM tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để DN được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn” - bà Bùi Thị Thanh Hương đề xuất. Cụ thể, các NH cần tiếp tục cho vay các khoản vay mới để tái đầu tư và thúc đẩy kinh doanh. Mặt khác, NHNN cho phép áp dụng Thông tư 01 đối với các khoản Trái phiếu DN để đồng bộ hoá việc hỗ trợ tài chính cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn.
 
Và không chỉ các DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều cá nhân trước đây phải vay tiêu dùng cũng bày tỏ sự lo lắng về khả năng trả nợ NH. Bởi thời điểm này, không ít người lao động đã phải tạm nghỉ việc không lương, hoặc giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trước tình trạng đó, một số NH đang tính toán khả năng chia sẻ khó khăn với người vay. Chị Lê Thanh Ngân (Hà Nội) mới đây cũng đã nhận được cuộc gọi từ nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tìm hiểu những thông tin cơ bản về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu nhập, khả năng trả nợ và những kiến nghị của chị đối với khoản vay mua nhà 5 năm trước. Nhân viên này cho biết đây là những ghi nhận ban đầu để báo cáo với đơn vị chức năng, sau đó sẽ có nhân viên khác làm việc cụ thể để tập hợp báo cáo gửi lãnh đạo NH thẩm định, ban hành chính sách chung đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. “Hợp đồng vay mua nhà với NH này chốt cứng lãi vay được tính bằng lãi suất cơ bản cộng lãi biên 4% nên khá cao. Từ trước tới nay, Techcombank chỉ giảm lãi suất nếu khách hàng kết hợp mua các sản phẩm khác của NH như các sản phẩm bảo hiểm, mua trái phiếu DN. Ðây là lần đầu tiên NH chủ động chia sẻ khó khăn với người vay, dù chưa biết cụ thể điều kiện và mức độ ra sao” - chị Ngân nói.
 
Thực tế, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, toàn ngành NH đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bảo đảm hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả. Trong đó, NHNN ban hành Thông tư 01 mới chỉ được gần hai tuần nhưng toàn ngành đã vào cuộc quyết liệt. Các NHTM đã triển khai đồng loạt các gói, các chương trình, các sản phẩm đến người dân, DN, nhất là những khách hàng có dư nợ tín dụng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đã đạt được những kết quả tích cực. Liên quan đến việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 285 nghìn tỷ đồng, số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 3, các NH đã cho vay 47 nghìn khách hàng với số vốn khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
 
Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho DN và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm, ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới hơn 112.700 tỷ đồng. Song song với đó, từ ngày 23-1 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Bên cạnh đó, Vietcombank còn đồng hành cùng với khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền để có những tư vấn và hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là hơn 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
 
Cũng theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai phòng chống dịch Covid-19, ngay trong ngày 31-3, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai mạnh mẽ chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Thống đốc NHNN tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ. Ngoài ra, NHNN cũng đã họp với 20 TCTD (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) và tất cả các TCTD đều đồng thuận giảm ít nhất 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Ðiều này thể hiện trách nhiệm rất lớn của các TCTD đối với khó khăn của DN, khách hàng và người vay vốn. Ðể góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
 
HỒNG ANH VÀ TÔ HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu