Chủ nhật, 05/07/2020,07:39 (GMT+7)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; Còn nhiều băn khoăn
Bộ GD-ĐT sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có kinh nghiệm tham gia thanh tra, kiểm tra thi ở địa phương. Ảnh: MỸ HÀ
 
Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra. Thời điểm này, thầy và trò các lớp 12 trên cả nước đều đang phải gấp rút hoàn thành chương trình chính khóa và tập trung ôn luyện với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Tuy nhiên, việc nhiều thông tin liên quan công tác tổ chức thi, đề thi, giám sát thi, chấm thi… chưa rõ ràng khiến cho thí sinh và gia đình rất băn khoăn.
 
Áp lực “chạy nước rút”
 
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tinh giản chương trình học nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường đang phải “chạy nước rút” để có thể hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15-7, sau đó tập trung cho các em học sinh (HS) lớp 12 ôn luyện để sẵn sàng bước vào kỳ thi “sinh tử” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11-8. Vì vậy, khó tránh được tình trạng mỏi mệt cho cả phụ huynh lẫn thầy cô, HS trong những ngày này.
 
Tại Trường THPT Nguyễn Du (phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh) chị Nguyễn Thị Tố Trinh, phụ huynh HS lớp 12, chia sẻ: “Từ bữa đi học lại sau cao điểm dịch Covid-19 tới giờ, con tôi phải học bù rất nhiều. Ngoài việc học trực tiếp ở trường từ sáng đến chiều, nhiều bữa cháu phải học online vào buổi tối nữa. Theo cháu nói thì giờ học chính khóa vẫn học như bình thường, còn giờ phụ đạo thì ôn lại kiến thức, đặc biệt là các môn chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT”.  
 
Thực tế, sau thời gian cả nước thực hiện “giãn cách xã hội” bởi dịch Covid-19, thì HS lớp 12 chỉ còn khoảng sáu tuần trở lại trường để hoàn thành chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020. Vì vậy, áp lực lên các em HS lớp 12 rất lớn, bởi nếu không cố gắng, không kịp hoàn thành chương trình và tập trung ôn tập thì khả năng đậu tốt nghiệp THPT với kết quả cao là rất khó.
 
“Năm nay, nhiều kiến thức được học online nên nói thật là chỗ hiểu chỗ không, nhưng bây giờ thầy, cô cũng không thể dạy lại từ đầu, vì vậy chỉ mong kết thúc xong chương trình học kỳ 2 theo quy định, rồi em sẽ tập trung ôn tập lại những kiến thức từ đầu học kỳ đến giờ, phần nào chưa hiểu thì phải hỏi lại thầy, cô để nắm rõ. Em chỉ lo lắng là năm nay đề thi sẽ ra thế nào, vì thấy Bộ GD-ĐT công bố rằng, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đã được tinh giản do HS phải nghỉ học thời gian dài vì dịch. Nhưng đề thi vẫn có sự phân hóa để đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng. Liệu phần phân hóa đó có nằm trong phần tinh giản hay không”, em Trần Ngọc Minh Thy, HS một trường THPT tại quận Gò Vấp, chia sẻ băn khoăn.
 
Đồng hành với các em HS, nên giáo viên khối lớp 12 năm nay cũng bận rộn, vất vả không kém. Thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Chu Văn An (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Thời điểm này giáo viên rất vất vả. Họ phải giảng dạy nhiều hơn số tiết so với bình thường vì sau thời gian nghỉ học dài ngày và dạy trực tuyến, không phải em nào cũng học online đầy đủ và học tốt. Vì vậy, giáo viên ôn tập, phụ đạo kiến thức cho HS nhưng cũng có môn, có nhóm giáo viên phải dạy lại từ đầu trong khi thời gian không còn nhiều”.
 
Nỗi lo gian lận
 
Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho hay, trong quá trình ôn tập sắp tới, nhà trường sẽ chú trọng vào ba môn chính là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, đồng thời căn cứ vào số lượng HS đăng ký bài thi tự chọn để tăng thêm tiết ôn tập. Từ đề thi tốt nghiệp THPT minh họa và kinh nghiệm giảng dạy khối 12 trong những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn tiến hành họp phân tích bộ đề, bàn bạc để biết được ma trận các đề, mức độ khó, dễ như thế nào nhằm giúp HS ôn tập, hướng dẫn kỹ năng làm bài có điểm cao…
 
Đồng quan điểm, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm nay việc tổ chức ôn thi cho HS cũng có sự phân tầng, những trường HS có mặt bằng học (ĐH) lực nhỉnh hơn sẽ tập trung vào chiến thuật “đánh trọng tâm”, ôn theo định hướng xét tuyển đại học chứ không ôn dàn trải sáu môn thi như trước. 
 
Một vấn đề thường trực trong các kỳ thi vẫn luôn được Bộ GD-ĐT cũng như phụ huynh và các em HS quan tâm, đó chính là việc “đối phó” với gian lận thi cử ra sao?
 
Trước những lo lắng này, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi nhưng Bộ sẽ huy động lực lượng này để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Dự kiến, Bộ sẽ huy động gần 5.000 cán bộ, giảng viên ĐH có kinh nghiệm trong công tác coi thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương.
 
Cụ thể, sẽ chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất thanh tra, kiểm tra ở cấp Bộ (đoàn của Bộ đi thanh tra, kiểm tra tại 63 địa phương). Nhóm thứ hai, huy động cán bộ, giảng viên để bổ sung, hỗ trợ các sở GD-ĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác coi thi tại địa phương. Bên cạnh thanh tra cấp bộ, thanh tra cấp sở như các năm trước sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh để bảo đảm phủ kín công tác thanh - kiểm tra tại các điểm thi…
 
THIÊN ANH - TRẦN HẢI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu