Thứ năm, 01/07/2021,10:21 (GMT+7)
Làm GAP trồng trọt - Câu chuyện lớn
Bên cạnh những lợi ích và lợi thế, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Bài 2: Còn đó những khó khăn và thách thức
 
Những khó khăn và thách thức hiện tại và tương lai đến từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Nền nông nghiệp của tỉnh chủ yếu sản xuất theo hướng truyền thống nên việc thay đổi tư duy không thể một ngày một bữa...
 
Khó bỏ thói quen sản xuất cũ
 
Hậu Giang là một tỉnh có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Trong suốt những năm qua, mặc dù cơ cấu kinh tế có nhiều sự chuyển dịch, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn người nông dân hiện nay vẫn sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, dựa trên kinh nghiệm tự đúc kết và tìm hiểu qua một số phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, còn rất nhiều người nông dân đang có tâm lý e dè, ngại áp dụng các hình thức sản xuất mới như GAP.
Mỗi hộ nông dân chỉ có vài công đất sản xuất, do đó kinh phí cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn gặp nhiều khó khăn.
 
Là đơn vị hiện có diện tích đất nông nghiệp đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất tỉnh, nhưng HTX Trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc mở rộng diện tích đạt chuẩn. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân chủ quan đến từ tâm lý người dân. “Hiện tại, có nhiều bà con chưa quen áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Do đó, họ tỏ ra khá dè dặt, chưa tự tin và tuân thủ các quy định để được chứng nhận”, ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX cho biết.
 
Thực tế, người nông dân Hậu Giang khá nhạy bén và chịu khó học hỏi trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, họ có những quan điểm khác so với xu hướng chung của thế giới hiện nay. Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới đều ưa chuộng các loại nông sản được trồng theo quy trình rõ ràng, cụ thể, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, đa số người Việt lại xem những thức ăn có nguồn gốc tự nhiên như rau đồng, cá đồng, thịt rừng,… là ngon, là bổ dưỡng. Điều này đã phần nào làm hạn chế sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân.
 
Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP còn yêu cầu người nông dân phải thực hiện một số thao tác, trong đó có việc ghi chép nhật ký sản xuất. Tuy nhiên, với người nông dân vốn quen cầm nông cụ hơn là cầm viết, những thao tác này khá rườm rà, khó thực hiện. Thêm vào đó, tâm lý hay quên khiến việc duy trì thực hiện đúng các tiêu chuẩn là điều không dễ dàng.
 
Rào cản kinh phí
 
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn không dễ, nhưng để sản phẩm làm ra được công nhận, các hợp tác xã và hộ nông dân phải tiến hành các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Ông Trần Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Hậu Giang, cho biết: “Tùy vào quy mô, diện tích, số hộ chứng nhận và dịch vụ công ty cung cấp như tư vấn hay cấp giấy chứng nhận mà kinh phí phải bỏ ra sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung đều tốn kém hàng chục triệu đồng, có diện tích lên đến hàng trăm triệu đồng”.
 
Với những người nông dân, số tiền để làm thủ tục chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là không hề nhỏ. Theo ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX dưa hấu VietGAP ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy: “Nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các sở, ngành, chắc chúng tôi không làm nổi việc cấp giấy chứng nhận. Bởi vì hầu hết người dân chỉ có vài công đất, làm đâu có lời bao nhiêu mà còn phải lo đủ thứ chi phí, nên tự bỏ ra hàng chục triệu đồng là điều không dễ dàng gì”.
 
Rõ ràng, lợi ích mà VietGAP, GlobalGAP mang lại cho người nông dân và nền nông nghiệp tỉnh nhà là không hề nhỏ. Tuy nhiên, nó chưa đủ lớn để họ tự bỏ tiền ra tự tìm đơn vị tư vấn, tự làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm mà mình làm ra. Trong khi đó, ngân sách để hỗ trợ cho các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp theo chuẩn còn hạn chế. Hàng năm, diện tích được hỗ trợ rất nhỏ so với diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh. Đó là lý do lớn nhất khiến cho diện tích đất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP của Hậu Giang còn khá thấp, và tăng chậm sau mỗi năm.
 
Đạt chuẩn khó, giữ chuẩn không dễ
 
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và duy trì đúng các tiêu chuẩn, giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP sẽ có thời hạn. Sau hai hoặc ba năm, phải tiến hành làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận một lần. Tuy nhiên, có không ít hợp tác xã và nông dân không thực hiện thao tác này, làm cho sản phẩm đánh mất chuẩn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
 
HTX xoài Bảy Ngàn ở huyện Châu Thành A được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2015. Sau khi hết hạn vào năm 2017, đến nay, tuy vẫn sản xuất theo hướng VietGAP, nhưng hợp tác xã vẫn chưa được tái cấp chứng nhận. Lý giải điều này, ông Bùi Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết: “Do một số công ty thu mua không yêu cầu sản phẩm phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên các xã viên cũng không mặn mà với việc làm giấy chứng nhận. Nếu được hỗ trợ thì họ làm còn không thì thôi chứ họ chưa chủ động bỏ tiền ra làm”.
 
Đạt được chuẩn đã khó, việc giữ vững quy trình sản xuất theo chuẩn càng không dễ. Ông Nguyễn Văn Quận, đại diện Tổ hợp tác Bưởi da xanh ấp 8, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho hay: “Người nông dân mau quên lắm, học xong thì lại quên nên đôi khi áp dụng không đúng. Do đó, để đảm bảo trái bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, công ty thu mua thường tổ chức các buổi tập huấn để hướng dẫn lại”. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm bán cho thương lái, việc sản xuất theo chuẩn không được kiểm soát thì việc canh tác đúng chuẩn là điều khó đảm bảo.
 
Trên thực tế, không ít diện tích đất trồng trọt đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh đã không còn giữ được chuẩn do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Đây cũng là một vấn đề cần được xem xét và khắc phục để tránh tình trạng xây dựng chuẩn được chỗ này thì lại mất chuẩn ở chỗ khác.
 
Tốn kém hàng chục triệu đồng, có diện tích lên đến hàng trăm triệu đồng kinh phí thực hiện việc cấp giấy chứng nhận
 
Ông Trần Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Hậu Giang, cho biết: “Tùy vào quy mô, diện tích, số hộ chứng nhận và dịch vụ công ty cung cấp như tư vấn hay cấp giấy chứng nhận mà kinh phí phải bỏ ra sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung đều tốn kém hàng chục triệu đồng, có diện tích lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu