“Để làm tốt công tác nhân đạo, trước hết phải làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo ra phong trào làm công tác nhân đạo rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Ban Thường vụ T.Ư Hội đã chỉ đạo, tổ chức đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động để thu hút và tạo ra phong trào làm nhân đạo rộng lớn” - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu chia sẻ. Chính vì vậy, phong trào thi đua của Hội đã dần trở thành ý thức, trách nhiệm thường xuyên trong mỗi cấp Hội và cán bộ, hội viên, tạo thành cao trào hành động, tạo động lực để liên kết sức mạnh của toàn xã hội trong phong trào hoạt động nhân đạo với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội, thời gian qua, công tác xã hội nhân đạo đã được toàn Hội thi đua, triển khai với nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp. Nổi bật là, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” mang tính chiến lược do T.Ư Hội phát động, với mục tiêu cổ vũ các cấp Hội và đông đảo cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ trợ giúp trực tiếp, kịp thời cho đối tượng đặc biệt khó khăn. Nhiều tỉnh, thành Hội đã chủ động vận động, ký kết chương trình phối hợp hoạt động nhân đạo với các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương; chủ động giới thiệu các “địa chỉ nhân đạo” tới các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm để vận động trợ giúp. Qua đó, đã có hàng trăm nghìn hồ sơ, địa chỉ nhân đạo được các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên; có hàng trăm nghìn người được trợ giúp theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chương trình “Ngân hàng bò” cũng được các cấp Hội thi đua thực hiện với quyết tâm cao. Trong những năm gần đây với thông điệp “Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, các xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, chương trình đã tiếp nhận số tiền ủng hộ hơn 67 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, chương trình đã vận động, phát triển và trao tặng hơn 18.600 con bò giống, trị giá gần 2.000 tỷ đồng cho hơn 18.600 hộ dân, giúp các hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo, phát triển sản xuất, bám đất...
Cùng với các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo truyền thống của Hội, từ năm 2018, các cấp Hội CTĐ đã triển khai “Tháng Nhân đạo”- tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo, nhằm thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân, tập trung nguồn lực chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương, người yếu thế trong xã hội. Thông qua các hoạt động trợ giúp mang tính phát triển bền vững, như: trao tặng nhà CTĐ; cấp sổ tiết kiệm; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn..., đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia, thể hiện sự tương thân, tương ái chăm lo cho người nghèo. Trong ba năm triển khai thí điểm “Tháng Nhân đạo” (từ 2018-2020) các cấp Hội đã vận động được 1.691 tỷ đồng, trợ giúp hơn 2.250.700 lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng hơn 400 công trình nhân đạo ở các cấp Hội.
Song song với các hoạt động nhân đạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng luôn được Hội chú trọng, tạo được nhiều sự chuyển biến về chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, Chương trình “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, được T.Ư Hội phối hợp Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, đã được triển khai sâu rộng trên toàn quốc. Sau nhiều năm triển khai, chương trình đã tổ chức 13.500 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hơn sáu triệu lượt người, với tổng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo cũng đã trở thành phong trào của toàn dân, có sức lan tỏa mạnh mẽ... Hơn 6,7 triệu đơn vị máu đã được tiếp nhận, nhiều ca ghép mô tạng đã được thực hiện thành công. Các Chiến dịch hiến máu tình nguyện dịp Tết và “Lễ hội xuân hồng”; Chiến dịch những giọt máu hồng hè - “Hành trình đỏ” được Chính phủ ghi nhận là những sự kiện huy động nhiều lực lượng tham gia nhất trong những năm gần đây đã thật sự trở thành phong trào thi đua của toàn dân, nét đẹp văn hóa của mỗi thành viên và cả cộng đồng, thể hiện tính nhân văn cao cả, mang đến sự sống, niềm tin và hy vọng cho hàng triệu người bệnh.
Với phương châm “nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả”, Hội CTĐ các cấp luôn được biết đến là một trong những lực lượng dân sự đầu tiên có mặt khi thiên tai, thảm họa xảy ra và cũng là lực lượng gắn bó lâu dài, bền bỉ với người dân trong suốt giai đoạn tái thiết, phục hồi, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như nhân dân đánh giá cao. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ và người dân được tiến hành thường xuyên; nhiều tỉnh, thành phố tổ chức tốt các hoạt động diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, diễn tập phòng, chống thiên tai, nhất là tại các vùng trọng điểm… Toàn hệ thống Hội đã xây dựng được đội ứng phó khẩn cấp quốc gia, 37 đội cấp tỉnh và gần 400 đội cấp cộng đồng, với hàng nghìn thành viên có kỹ năng, kinh nghiệm tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống thiên tai. Tổng giá trị trong hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa của các cấp Hội 5 năm qua đạt hơn 877 tỷ đồng, trợ giúp hơn ba triệu lượt người.
Hòa chung trong các phong trào TĐYN của toàn Đảng, toàn dân, các phong trào TĐYN của Hội CTĐ Việt Nam được tổ chức ngày càng toàn diện, phát triển ngày càng sâu rộng, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo. “Phong trào thi đua của CTĐ Việt Nam là một phong trào quần chúng đặc biệt. “Đặc biệt” bởi đó là phong trào thi đua làm nhân đạo, thi đua trợ giúp những người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các phong trào thi đua hướng về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, bảo đảm phong trào có tính liên tục, bền vững và hiệu quả” - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.