Thứ hai, 30/11/2020,14:01 (GMT+7)
Làng nghề hối hả đón Tết
Những ngày này, các làng nghề truyền thống tại ĐBSCL đang hối hả chuẩn bị nguyên liệu sản xuất phục vụ Tết nguyên đán 2021
 
Chạy dọc theo tuyến lộ giao thông nông thôn ven thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) dưới tiết trời se lạnh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân làng làm cá khô đang tất bật phơi cá chuẩn bị cung ứng thị trường vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.
 
Sôi động vùng quê
 
Cái Đôi Vàm là một trong những cửa biển sầm uất và sôi động bậc nhất của Cà Mau. Sinh kế của người dân đa phần phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Song song đó, những làng "hậu cần nghề biển" hình thành đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.
 
Những tháng gần Tết, khi mọi người còn đang say giấc ngủ, tại những cơ sở kinh doanh khô của làng cá Cái Đôi Vàm luôn sáng đèn, tiếng gọi nhau í ới của nhân công làm sôi động cả một vùng quê biển. Ông Sơn, một chủ vựa khô trên địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm, những tháng cuối năm đang tất bật cùng hàng chục nhân công chuẩn bị các mặt hàng khô. Gia đình ông có gần 30 năm gắn bó với nghề làm khô tại cửa biển. Trung bình mỗi tháng cuối năm, gia đình ông bán ra thị trường hơn 20 tấn cá các loại, trừ hết chi phí thu về hơn 100 triệu đồng.
 
Là địa chỉ sản xuất nem lâu đời, cơ sở nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đang chuẩn bị các nguyên liệu để sản xuất cung ứng thị trường Tết. Ông Tô Ngọc Hoàng, chủ cơ sở, cho biết: "Năm nay, giá nguyên liệu tăng hơn 2 lần so với các năm trước. Vào các ngày cận Tết, sản phẩm nem bán chạy hơn ngày thường khoảng 4-5 lần. Do đó, từ đây đến cuối tháng 12, cơ sở phải sản xuất đủ lượng nem cung cấp cho khách hàng bằng việc tăng thêm số lượng nhân công, trang bị thêm máy móc phục vụ sản xuất".
 
Làng nghề hối hả đón Tết - Ảnh 1.
Làng khô Cái Đôi Vàm tất bật chuẩn bị sản phẩm cung ứng ra thị trường dịp Tết. Ảnh: VÂN DU
 
Đến làng bột gạo Tân Phú Đông (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) những ngày cuối tháng 11, không khí làm việc đã hối hả hơn rất nhiều. Các cơ sở sản xuất bột, lò làm hủ tiếu, bánh phở đều đang bắt nhịp để chuẩn bị cho những đơn hàng Tết. Ông Nguyễn Viết Em (ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông), cho hay hằng năm cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, ông cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào làm hủ tiếu chuẩn bị cho vụ Tết nguyên đán. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các hộ như gia đình ông sản xuất cầm chừng, vì vậy sản lượng có giảm so với các năm trước. Dự kiến, trong dịp Tết năm nay, mỗi ngày cơ sở của ông Em cho ra lò 1 tấn hủ tiếu cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
 
Tại làng nghề sản xuất khô, mắm phường An Lạc, TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), các giàn phơi cá bằng tre được dựng lên hai bên đường với mùi hương đặc trưng của khô cá lóc và mắm. Bên trong các cơ sở, nhân công đang hối hả gia công cá lóc nguyên liệu để chuẩn bị cho công đoạn phối trộn, ướp khô. Ông Trần Văn Á, chủ cơ sở khô cá lóc Út Á, cho biết: "Hiện tại, cơ sở đang tăng cường sản xuất nhưng tình hình cũng có khó khăn vì dịch bệnh nên sản lượng giảm khoảng 10%-20% so với năm trước. Năm nay do giá cá nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm khô thị trường Tết này cũng sẽ tăng theo. Cơ sở rất chú trọng vào chất lượng khô để giữ gìn thương hiệu khô, mắm của địa phương".
 
Cách đó không xa là hộ gia đình bà Bùi Thị Hường. Bà Hường khẳng định để bảo đảm ổn định thị trường và thu hút khách, giá khô cá lóc của cơ sở năm nay vẫn giữ nguyên so với năm trước nhưng chất lượng vẫn đặt lên hàng đầu.
 
Nhận định về vụ khô Tết năm nay, nhiều cơ sở kinh doanh ở làng khô Cái Đôi Vàm cho rằng sản lượng bán ra có thể không bằng các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Hiện giá cá khô dao động từ 60.000 - 300.000 đồng/kg (tùy loại). Các mặt hàng khô được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá khoai, cá đù, cá ngát, cá ba thú…
 
Chấp hành nghiêm về an toàn thực phẩm
 
Ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết trên địa bàn có hơn 40 hộ tham gia làng nghề. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh khô luôn được địa phương quan tâm, chú trọng.
 
"Ngoài kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ, chính quyền thị trấn còn kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không đưa chất cấm để bảo quản nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng" - ông Sơn nhấn mạnh.
 
VÂN DU - TÂM MINH - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu