Chủ nhật, 06/06/2021,23:18 (GMT+7)
Lao động trẻ trong dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở nước ta và hiện đang diễn biến phức tạp khiến nhiều người lao động, nhất là các lao động trẻ, mất cơ hội việc làm hoặc bị cắt giảm thu nhập do doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
 
Trước thực tế đó, một số đơn vị đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến, nhằm gắn kết người lao động với doanh nghiệp; kịp thời phối hợp giải quyết, tạo việc làm việc làm cho người lao động.
 
Mất việc làm, giảm thu nhập
Do dịch bệnh COVID-19, anh Lê Hoàng đang chuyển sang dạy tiếng Anh trực tuyến để duy trì hoạt động của Trung tâm Anh ngữ.
Do dịch bệnh COVID-19, anh Lê Hoàng đang chuyển sang dạy tiếng Anh trực tuyến để duy trì hoạt động của Trung tâm Anh ngữ.
 
Theo anh Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Wiser English (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, gần 1 tháng qua, Trung tâm đã tạm ngừng các lớp học. Hiện nay, Trung tâm duy trì 4 lớp dạy tiếng Anh trực tuyến (mỗi lớp từ 6 đến 7 học viên) để học sinh, sinh viên hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, sẽ đóng cửa, chờ tình hình dịch bệnh ổn định mới tính toán việc khai giảng các khóa học mới. Anh Hoàng cho biết, để vận hành Trung tâm Anh ngữ này, mỗi tháng chi phí lên đến hàng chục triệu đồng - tiền thuê mặt bằng, điện, nước và trả lương cho giáo viên, nhân viên.
 
Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều phụ huynh hạn chế để con em tham gia các khóa học tại Trung tâm. Không đủ học viên, anh liên tục bù lỗ và dần chuyển sang dạy trực tuyến để duy trì hoạt động của Trung tâm. Anh Hoàng chia sẻ: “Trung tâm cũng cắt hợp đồng với 2 giáo viên và 2 nhân viên phục vụ; chỉ duy trì 3 giáo viên phụ trách dạy trực tuyến. Dù biết hoàn cảnh người lao động rất khó khăn do mất thu nhập nhưng Trung tâm khó có thể xoay xở để trả lương cho tất cả người lao động”.
 
Anh Nguyễn Trọng Hiếu, nhân viên một nhà hàng buffet ở siêu thị Lotte Mart Cần Thơ tuy vẫn giữ được việc làm nhưng thu nhập hiện chỉ còn một nửa so với thời điểm trước dịch. Chưa kể, từ đầu năm 2020 đến nay, cứ mỗi đợt dịch bùng phát, cùng với khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, số lượng khách đến nhà hàng buffet thưa dần. Vắng khách, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nên người lao động phải chấp nhận thu nhập giảm để giữ việc làm. Anh Hiếu tâm sự: “Hiện chi phí thuê trọ, ăn uống và nhu cầu cá nhân tiết kiệm lắm cũng khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.
 
Trong khi đó, nhà hàng vắng khách, đồng nghiệp chia ca nhau để giữ việc làm, chứ thu nhập không đủ để chi tiêu”. Không may mắn như anh Hiếu, anh Nguyễn Văn Linh (quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), nhân viên phục vụ một nhà hàng ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tạm nghỉ việc. “Do tình hình dịch bệnh nên nhà hàng hoạt động khó khăn, tôi cũng đồng thuận tạm nghỉ, chờ tình hình. Hiện, tôi về quê phụ giúp gia đình bán trái cây để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt trong cuộc sống” - anh Linh bộc bạch.   
 
Vòng tay cộng đồng
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
Chị Lý Diệu Hiền, Phó Trưởng Phòng Tư vấn - Tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang cơ cấu lại nguồn lao động. Qua theo dõi, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng trong tháng 5 giảm xuống rõ rệt, trong khi số lao động mất việc làm khá phổ biến”.
 
Theo chị Hiền, thống kê từ ngày 3 đến ngày 31-5-2021, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đã giảm hơn 19% so với tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch bệnh, các đơn vị kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giảm đáng kể; đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải, chế biến xuất khẩu.
 
L.M.T (quê ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tốt nghiệp ngành Điện tử nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa có việc làm. T đang thuê nhà trọ ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Chi phí trọ và ăn uống của T mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Để đủ chi tiêu trong cuộc sống, T nhận giao hàng thuê cho một cửa hàng tạp hóa. Tùy theo doanh số mà mỗi ngày T được trả thù lao 100.000-150.000 đồng, tuy nhiên công việc không thường xuyên.
 
Đợt dịch thứ 3 từ tháng 1 đến tháng 3-2021, T được chủ nhà trọ giảm tiền trọ; còn đợt dịch thứ 4 (từ cuối tháng 4 đến nay), T được các đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn nên đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt. “Tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường, để những người mới tốt nghiệp như tôi có việc làm ổn định, phụ giúp gia đình” - T chia sẻ. 
 
Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ tiếp tục thống kê tình hình lao động thất nghiệp, đẩy mạnh kết nối với các đối tác, doanh nghiệp. Từ đó, nắm chắc tình hình lao động, có giải pháp tư vấn, kết nối việc làm nhằm giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được Trung tâm chuyển sang hình thức trực tuyến, để gắn kết với người lao động, từ đó kịp thời phối hợp với đơn vị giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động.
 
Bài, ảnh: QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu