Thứ tư, 18/11/2020,10:23 (GMT+7)
Liên kết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7-4-2017 của Thành ủy Cần Thơ (Nghị quyết 08) về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), Cần Thơ đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Thành phố cũng thúc đẩy liên kết, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao và đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường…
Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP) của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, ở  huyện Vĩnh Thạnh được lắp đặt thiết bị IoT ( Internet of Things) để  thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, dữ liệu về đất, nước,... tình hình phát triển của lúa.
 
Kết quả tích cực
 
Ðến nay, thành phố đã có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC (theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 738/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Thành phố cũng thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phê duyệt và triển khai thực hiện 15 đề án và kế hoạch phát triển trên từng lĩnh vực để thực hiện phát triển nông nghiệp CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Lập quy hoạch 3 khu nông nghiệp CNC và mời gọi nhà đầu tư...
 
Ðối với cây trồng chủ lực là lúa, việc mở rộng hệ thống thủy lợi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và CNC trong sản xuất đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa, chất lượng và duy trì sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm dù diện tích canh tác có xu hướng giảm. Thành phố cũng tăng được tỷ lệ sản xuất các loại lúa chất lượng cao đạt trên 80%, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của hạt gạo. Ðể phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa theo vùng tập trung quy mô lớn, từ vụ hè thu năm 2011, thành phố đã xây dựng mô hình Cánh đồng mẫu lớn với quy mô ban đầu chỉ 400ha, đến nay đã nâng diện tích lên hơn 30.000 héc-ta/vụ, tạo điều kiện phát huy hiệu quả "liên kết bốn nhà", thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng lợi nhuận cho nông dân từ 2,4-5 triệu đồng/héc-ta/vụ. Trong mô hình Cánh đồng mẫu lớn đã hình thành 10.000ha lúa sạch, 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 336ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Cần Thơ cũng đã xây dựng được vùng trồng cây ăn trái tập trung theo hướng tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trên các loại cây chủ lực như xoài, sầu riêng, vú sữa, nhãn… với tổng diện tích gần 8.000ha/21.811ha của thành phố và có 447ha áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động. Hiện đã có 267ha cây ăn trái của 271 hộ dân thuộc các hợp tác xã và tổ hợp tác trồng cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP. Thành phố cũng xây dựng, mở rộng 18 vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các quận, huyện, với tổng diện tích 229ha, với sản lượng hơn 28.390 tấn/năm. Việc tăng cường ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất rau màu như màng phủ, nhà lưới, phun tưới nước tự động… đã giúp tăng năng suất từ 10-15%, giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ 20-25%.
 
Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng được chú trọng phát triển theo quy mô lớn, an toàn sinh học và liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNC. Ðến nay, thành phố đã hình thành 198 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Tổng diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, Global GAP, ASC… đạt 289ha. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất, thành phố đã chủ động nhân giống được nhiều loại vật nuôi và phát triển các quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng thức ăn công nghiệp tiện lợi... giúp đạt hiệu quả cao và giảm tác động xấu đến môi trường.
 
Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn
 
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ nhưng phát triển nông nghiệp CNC thời gian qua vẫn còn chậm, xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình còn ít, vốn đầu tư cho nông nghiệp CNC còn yếu, quy mô còn nhỏ lẻ. Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC còn ít, chưa có doanh nghiệp đầu tư là doanh nghiệp đầu tàu để lôi kéo. Các chương trình, dự án, đề án nêu trong Nghị quyết 08 chúng ta thực hiện chưa sâu, một số chỉ tiêu chưa đạt được, trong đó có việc xây dựng 3 khu nông nghiệp CNC… Ðây là những vấn đề trọng tâm, cốt lõi mà chúng ta phải nghiên cứu, khắc phục và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp đã nêu trong Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho rằng: "Cần có thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục vận động và khuyến khích người dân tham gia các mô hình sản xuất tập thể như hợp tác xã và tổ hợp tác để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ nông sản. Tạo mọi điều kiện để phát triển các mô hình, mở rộng quy mô ứng dụng CNC. Ðầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ tốt cho ứng dụng CNC".
 
Ðể đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, bà Trần Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, kiến nghị ngành chức năng cần quan tâm tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nhất là đội ngũ điều hành các hợp tác xã. Có cơ chế, chính sách ưu đãi để tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, gắn với vùng nguyên liệu của nông dân…
 
Tại hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 08, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong phát triển nông nghiệp CNC. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và tranh thủ tốt các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ người dân, doanh nghiệp để huy động tốt các nguồn lực nhằm đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC, đạt theo mục tiêu của Nghị quyết 08. Đặc biệt, cần cố gắng thực hiện cho bằng được 3 khu nông nghiệp CNC và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ lực đạt hiệu quả cao. Tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thông tin dự báo định hướng sản xuất và thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu