Thứ ba, 16/02/2021,07:30 (GMT+7)
Lối đi mới Sức sống từ văn hóa bản địa
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành công nghiệp không khói nước ta thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020 do lượng khách quốc tế giảm 80%, khách trong nước giảm gần 50% so năm 2019. Mục tiêu kép đảm bảo an toàn và phục hồi du lịch đặt ra bài toán khó trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại Cần Thơ và ĐBSCL, sự ứng phó để thích nghi với từng giai đoạn của dịch bệnh đã mở ra lối đi mới cho du lịch địa phương. Đó là dựa vào cộng đồng bản địa, sự năng động của các nhà quản lý và doanh nghiệp để phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững.
Giữa những làn sóng của dịch bệnh, du lịch cộng đồng cồn Sơn vẫn giữ vững nhịp phát triển theo cách rất riêng: bình tĩnh tạm dừng, tái khởi động đúng lúc và mỗi lần trở lại có thêm những sáng tạo mới từ kho tàng đời sống, sinh hoạt dân gian. Câu chuyện của cồn Sơn mở ra cánh cửa mới cho du lịch: dựa vào văn hóa và con người bản địa để hạn chế rủi ro và tạo sự khác biệt.
Trải nghiệm gói bánh tét tại cồn Sơn vào những ngày cận Tết. 
 
Ðợt dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên vào tháng 3, du lịch Cần Thơ tạm ngừng hơn 2 tháng. Khi đó, người dân làm du lịch cộng đồng cồn Sơn, cũng như nhiều nơi khác, bị hủy tour từ gần 40 đối tác. Vậy là người dân quay về chăm sóc vườn tược, cảnh quan và cùng bàn bạc xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới. Ðể rồi tháng 5, chương trình tour “Cồn Sơn ngày mới” khai thác văn hóa bản địa, đánh dấu cồn Sơn đón khách trở lại.
 
Cồn Sơn mang sức sống mới cho du lịch thời điểm đó bằng những sản phẩm, dịch vụ đậm chất miệt vườn làng quê Nam Bộ. Những nghề truyền thống được trình diễn: vót đũa, đan võng, quết bánh phồng, làm cốm nổ… và cả những sáng tạo, dày công huấn luyện cá ăn cơm bằng muỗng, massage bằng cá có vẩy. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, tâm tình: “Văn hóa đời sống sông nước miền Tây mình có nhiều cái hay lắm và du khách thích trải nghiệm những gì chân thật nhất. Bà con cồn Sơn luôn muốn gìn giữ đặc trưng văn hóa địa phương, vừa tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch. Quan trọng nhất là giữ sự đoàn kết, mỗi người một sản phẩm, dịch vụ. Làm du lịch là để giúp nhau, sáng tạo là để có sản phẩm chung cho cộng đồng”. Cho nên ở cồn Sơn, mỗi nhà có sản phẩm riêng và liên kết thành chuỗi hoạt động trải nghiệm văn hóa, phong tục… gây thương nhớ cho rất nhiều du khách. 
 
Khi những cơn gió se lạnh báo hiệu Tết đang đến, người dân cồn Sơn bên cạnh tất bật chuẩn bị các chương trình mới phục vụ du khách, thì cũng chuẩn bị chu đáo để “thi tốt nghiệp” tiếng Anh. Lớp học tiếng Anh dành cho cộng đồng cồn Sơn bắt đầu từ những ngày cuối tháng 8 khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập đến và cồn Sơn lần nữa tạm dừng đón khách. Có thời gian trống, bà con quyết định học thêm kỹ năng và lớp tiếng Anh diễn ra với 30 học viên, nhỏ nhất 8 tuổi và lớn nhất trên 60 tuổi, tại bè cá của ông Bảy Bon. Bài thi tốt nghiệp của lớp là mỗi người tự giới thiệu bằng tiếng Anh sản phẩm, dịch vụ du lịch của gia đình. Người dân còn học sơ cấp cứu, học thêm kiến thức làm du lịch bền vững từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, huấn luyện viên... để tự tin hơn khi đón khách trở lại với nhiều sản phẩm đậm phong vị làng quê ngày Tết cho mùa du lịch cuối năm và mừng năm mới. 
Lớp học tiếng Anh ở bè cá Bảy Bon. 
 
Nhịp du lịch cồn Sơn được giữ vững giữa dịch COVID-19 là nhờ những kinh nghiệm qua 5 năm phát triển với nhiều biến động, nhưng vẫn luôn giữ được cốt lõi là văn hóa bản địa và cố kết cộng đồng. Chị Phan Thị Kim Phước (Năm Phước), chủ vườn Song Khánh, trải lòng: “Ngay từ đầu chúng tôi xác định làm du lịch nhưng phải giữ nếp sinh hoạt, văn hóa bản địa. Mình trong xóm đối đãi với nhau như thế nào thì đối với du khách cũng vậy”. Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), văn phòng tại TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nước mắm đồng của chị Phan Kim Muôn (Bảy Muôn) được biết đến và yêu thích nhiều không hẳn vì là loại ngon nhất, mà là chơn chất nhất. Cũng như những người dân cồn Sơn, họ làm du lịch bằng những giá trị sẵn có một cách thiệt thà nhất. Ðó là những giá trị bản địa rất trân quý, bản sắc văn hóa khó nhầm lẫn và tạo ra cá tính riêng biệt cho cồn Sơn”.
Vườn cây xanh mát, trĩu quả ở cồn Sơn.
 
Du lịch cồn Sơn gây thương nhớ không chỉ vì vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu với cảnh sắc vườn cây, ao cá, bến sông giữa lòng đô thị và những trải nghiệm mới lạ; mà quan trọng nhất là từ con người. Chú Bảy Bon, chị Bé đưa đò, chị Năm Phước, Bảy Muôn, Năm Minh… đều là những cá thể độc đáo trong cộng đồng đậm bản sắc văn hóa miệt vườn Nam Bộ. Họ là người địa phương có tri thức bản địa, hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống trong du lịch. Câu chuyện của cồn Sơn cho thấy văn hóa bản địa là nền tảng để làm du lịch lâu bền, vì dù ngoại lực có tác động thì chiều sâu văn hóa sẽ là điểm tựa để hạn chế rủi ro, làm nên giá trị lâu dài và sự phát triển bền vững cho du lịch.
 
Bài, ảnh: ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu