Thứ ba, 13/04/2021,14:20 (GMT+7)
Luồng gió mới trong dạy - học ngoại ngữ
Học sinh hứng thú trong mỗi phần thuyết trình, hào hứng, tự tin khi hùng biện về một vấn đề mình yêu thích bằng một ngôn ngữ thứ 2 - tiếng Anh, là kết quả mang lại từ Cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh” tỉnh Hậu Giang năm học 2020-2021.
Học sinh tự tin thể hiện kỹ năng nói tiếng Anh trong cuộc thi.
 
Cách làm hấp dẫn
 
Phấn khởi khi đã hoàn thành xong phần thi tự giới thiệu với chủ đề “Trường em”, em Dương Như Ý, học sinh lớp 11CB2, Trường THPT Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Đây thật sự là một sân chơi hấp dẫn dành cho học sinh chúng em. Quả thật khi mới lên trình bày em có hơi run khi phải nói tiếng Anh trước đám đông. Em sợ mình là học sinh vùng sâu, ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài phát âm sẽ không chuẩn, sợ nói vấp... Nhưng cảm giác đó chỉ một chút thôi. Nhìn thầy cô ở dưới với đôi mắt tự hào về chúng em, em đã lấy lại tinh thần và cùng với bạn hoàn thành các phần thi”.
 
Hãnh diện và tự hào khi giao lưu trực tiếp với các bạn có cùng niềm đam mê tiếng Anh về một chủ đề yêu thích, em Lê Hữu Hải, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Đội em chọn chủ đề cho phần thi tài năng là “Thực trạng lạm dụng công nghệ thông tin trong xã hội hiện nay”, phần thi này chúng em diễn kịch. Mỗi bạn giữ một vai, với các nhân vật ba, con, mẹ, giáo viên… để diễn tả việc con người đang bị công nghệ thông tin chi phối.
 
Con không lễ phép, cha mẹ thiếu sự quan tâm, nhà trường gặp khó trong công tác phối hợp giáo dục…”. Bằng ngôn ngữ tiếng Anh, các em kết hợp với ngữ điệu, nói nhấn nhá vào các câu chữ cuối đoạn thoại để thể hiện cảm xúc tức giận của cha mẹ, sự ngỗ ngược của các con… rất vừa phải và phù hợp ngữ cảnh.
 
Phần thi của Trường THPT Vĩnh Tường đã lột tả được chủ đề đã chọn, khi con cái không chăm học mà chỉ chú ý đến chiếc điện thoại với các trò chơi vô bổ. Bên cạnh đó là thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm của cha mẹ khi về tới nhà cũng chỉ ôm khư khư chiếc điện thoại, chat online hay mua hàng, nói chuyện phiếm cùng với bạn bè…
 
Bà Trịnh Thị Trúc Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức nhưng tôi thấy rõ hiệu quả tích cực từ cuộc thi mang lại. Nhờ hội thi này, học sinh đã phát huy tốt kỹ năng nghe - nói tiếng Anh của mình. Hoạt động giao tiếp qua lại giữa các em trong các phần thi với nhau đã giúp học sinh tự tin hơn. Khi có tự tin thì sẽ tạo được cảm hứng và niềm đam mê với việc học ngoại ngữ”.
 
Tham gia cuộc thi, các em học sinh cấp THCS, THPT thi 4 phần: tự giới thiệu (về bản thân, gia đình, nhà trường…), phần thi khởi động (đoán 4 bức tranh), hùng biện và thi tài năng (ca múa, hát…). Hội thi có 54 học sinh của 8 phòng giáo dục và đào tạo, 19/23 trường THPT tham gia.
 
Đổi mới phương pháp dạy - học ngoại ngữ
 
Ấn tượng nhất trong cuộc thi là phần thi hùng biện khi học sinh đã chọn khá đúng chủ đề xã hội quan tâm: là nạn nghiện game online trong học sinh, vấn đề ô nhiễm môi trường, tính nhân văn trong chuỗi hoạt động khi cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bạo lực học đường…
 
Phần thi tài năng của học sinh khi thể hiện lại các bài hát tiếng Anh rất ngọt ngào, sâu lắng như: My love, Love sorry, My heart will go on… Hay việc sáng tạo các vở kịch về tình cảm gia đình, tình thầy trò… Phong thái thi diễn tự tin, cách phát âm khá chuẩn, kết hợp với việc lựa chọn trang phục phù hợp, các em đã mang người xem từ bất ngờ này, đến sự ngạc nhiên khác về kỹ năng nghe, nói và giao tiếp tiếng Anh của học sinh.
 
Cô Nguyễn Kim Hậu, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THPT Vĩnh Tường, chia sẻ: “Nhờ tham gia cùng các em trong cuộc thi, chúng tôi có thêm cơ hội trải nghiệm và nhìn lại cách dạy và học ngoại ngữ thời gian qua. Từ đó, tôi sẽ xây dựng, đổi mới hơn nữa phương pháp dạy của mình, tăng cường kỹ năng nghe - nói cho học sinh, để các em tự tin trong học tập và giao tiếp tốt với nhau bằng ngôn ngữ thứ 2 - tiếng Anh này”.
 
Thực trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay là đa phần các trường quá chú trọng vào học từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, để học sinh dịch được từ, viết được đúng câu. Tuy nhiên, thực tế việc vận dụng và sử dụng tiếng Anh với các kỹ năng nghe và nói được xem là quan trọng nhất. Quá trình dạy và học như thế nào thì kết quả mang lại học sinh có thể nghe được bạn mình nói, giao tiếp được với bạn với người nước ngoài một cách lưu loát như dùng ngôn ngữ tiếng Việt là mục tiêu cuối cùng của việc dạy và học ngoại ngữ.
 
Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Phó Ban tổ chức Cuộc thi, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao về chất lượng của cuộc thi. Cuộc thi hùng biện tiếng Anh không chỉ là sân chơi để các em học sinh thỏa sức thể hiện niềm đam mê của mình qua các phần thi. Đây còn là cơ hội để các trường, các phòng giáo dục và đào tạo trong địa bàn tỉnh có thêm cơ hội để thay đổi phương pháp dạy và học ngoại ngữ phù hợp trong nhà trường. Sau hội thi này, các trường nên tổ chức hội thảo để đánh giá và đề ra giải pháp, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong thời gian tới”.
 
Tổ chức thi hùng biện tiếng Anh hàng năm
 
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Muốn giáo viên yêu tiếng Anh thì nhà trường phải tạo cơ hội thuận lợi nhất cho giáo viên có được môi trường nói tiếng Anh. Muốn học sinh hứng thú với môn học và học tốt thì nhà trường phải có sân chơi, câu lạc bộ, khai thác hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại và tăng cường kỹ năng thực hành... Thời gian tới, sở sẽ hỗ trợ và duy trì cuộc thi hùng biện tiếng Anh hàng năm để tăng cường kỹ năng nghe, nói, giao tiếp tiếng Anh cho học sinh. Hoạt động sẽ tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, tiếp cận chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế cho học sinh phổ thông.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu