Thứ bảy, 17/08/2024,12:50 (GMT+7)
Lương nhà giáo phải được xếp cao nhất
Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng
 
Một trong những nhiệm vụ được Bộ Chính trị yêu cầu tại Kết luận số 91-KL/TW là thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp.
 
Hàng ngàn giáo viên nghỉ việc
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
 
Trong đó, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non lên tới 1.600 người, tỉ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều. Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, nơi giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Trước đó, từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, riêng năm học 2022-2023 có có 12.090 giáo viên.
 
Lý giải tình trạng trên, Bộ GD-ĐT cho rằng chủ yếu do điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng so với công sức của họ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận hiện nay, vấn đề lương và thu nhập cho giáo viên ký hợp đồng còn thấp, chưa động viên được người lao động.
 
Dẫn chứng một trường hợp thực tế, chia sẻ về lý do nghỉ việc, chị Nguyễn Phương Hoa, một giáo viên mầm non có thâm niên gần 10 năm dạy học ở Hà Nội, cho biết "quá mệt với mức lương không đủ sống". Chị Hoa và các cô giáo của trường phải luôn tay luôn chân từ 6 giờ 30 phút đến gần 18 giờ với đủ các công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ, dọn dẹp lớp học, kiểm tra xem các con đã ngủ ngon hay chưa, sau đó là làm học cụ, đồ chơi, soạn giáo án... Khi về đến nhà đã mệt bã người, không còn sức lo cho gia đình, con cái. Trong khi đó, mức lương của chị chỉ có khoảng 7 triệu đồng/tháng. "Khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực, trong khi thu nhập chỉ vài triệu đồng khiến tôi và nhiều đồng nghiệp nản lòng" - chị Nguyễn Phương Hoa nói.
 
Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bày tỏ Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản GD-ĐT đã nêu rõ lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo công việc, theo vùng. Nhưng qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người đã phải nghỉ việc hoặc phải làm thêm.
 
Trước những hạn chế về lương giáo viên hiện nay, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết để giáo viên gắn bó với nghề, cũng như để tiếp tục thu hút những người có tài, có tâm vào ngành giáo dục, chính sách đối với nhà giáo là vấn đề bộ rất quan tâm.
 
Lương nhà giáo phải được xếp cao nhất- Ảnh 1.
Tăng thu nhập cho giáo viên để họ có điều kiện chăm lo cho học sinh. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Giáo viên mong sống được bằng nghề
 
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo sẽ được quy định cụ thể tại dự thảo Luật Nhà giáo.
 
Cụ thể, tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ một số đối tượng nhà giáo gồm nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Với các nhà giáo công tác ở vùng khó khăn, nhà nước có chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác...
 
Để tăng cường thêm nguồn lực, dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định về quỹ khuyến khích gồm quỹ do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động và quản lý theo quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện và quỹ do cơ sở giáo dục thành lập từ nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ, hiến tặng hoặc kinh phí của cơ sở giáo dục và nguồn kinh phí hợp pháp khác...
 
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng cần có thêm những chính sách để giáo viên sống được bằng nghề. "Đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống" - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh. 
 
Điều chỉnh thu nhập để giữ chân nhân tài
Tại Trung Quốc, cách tính lương giáo viên được căn cứ trên lương cơ bản, phụ cấp và có cơ chế điều chỉnh định kỳ. Lương cơ bản được xác định dựa vào cấp bậc, thâm niên và trình độ học vấn. Bên cạnh đó, giáo viên còn nhận được các loại phụ cấp như phụ cấp vùng (tùy theo khu vực thành thị, nông thôn hoặc vùng khó khăn), phụ cấp chức vụ dành cho những người đảm nhiệm vị trí quản lý hoặc có chuyên môn đặc biệt và phụ cấp hiệu quả dựa trên kết quả đánh giá công việc. Chính phủ Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh lương cơ bản để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường các loại phụ cấp nhằm thu hút và giữ chân giáo viên, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
 
Còn ở Thái Lan, chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hệ thống lương giáo viên được tính toán dựa trên lương cơ bản, phụ cấp và thưởng. Giáo viên được nhận phụ cấp trách nhiệm lớp, phụ cấp chuyên môn cho những người có bằng cấp cao hơn hoặc chuyên môn đặc biệt. Mức thưởng sẽ được trao theo thành tích, hiệu quả công việc và các dịp lễ, Tết. Thái Lan cũng điều chỉnh lương định kỳ cho giáo viên, đồng thời liên kết mức tăng lương với kết quả đánh giá hiệu quả của cả nhà trường và giáo viên.
 
Trong khi đó, tại Philippines, tiêu chí đánh giá và nâng lương giáo viên thường bao gồm thâm niên làm việc, trình độ học vấn, hiệu quả công việc, chứng chỉ chuyên môn và việc tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ. Hồi tháng 6, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã ký ban hành luật tăng trợ cấp giảng dạy hằng năm cho giáo viên trường công lên 10.000 peso (khoảng 4,3 triệu đồng) bắt đầu từ năm học tới. Luật này cũng miễn thuế thu nhập cho trợ cấp giảng dạy. Tổng thống Philippines đã nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy hệ thống giáo dục và tính cấp thiết của việc này. Số tiền cần thiết ban đầu để thực hiện luật sẽ được tính vào ngân sách hiện tại của Bộ Giáo dục.
 
Nhìn chung, các chính sách cải cách lương thưởng tại các nước nhằm tạo ra một cơ cấu lương công bằng hơn và hướng đến hiệu suất cho giáo viên, phản ánh những đóng góp của họ cho hệ thống giáo dục và giải quyết sự chênh lệch giữa các khu vực.
X.Mai
 
Nghiên cứu bảng lương và phụ cấp mới
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nhấn mạnh, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 của Trung ương, đặc biệt quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống. Bên cạnh đó, tiền lương chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp.
 
Để khắc phục thực sự những tồn tại, hạn chế của chế độ tiền lương hiện hành, trong đó có lương giáo viên, Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27 cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21-6-2024 của Bộ Chính trị.
M.Chiến
 
Yến Anh (nld.com.vn)

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu