Thứ sáu, 06/12/2019,13:11 (GMT+7)
Mạnh dạn thay đổi để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Kết thúc năm 2019, nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 42.828 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2018 trong bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, xuất khẩu. Đây được xem là kết quả rất đáng phấn khởi của tỉnh trong năm qua.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo đến người nông dân
 
Thế nhưng, trong kết luận về định hướng của ngành nông nghiệp thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh về cái bẫy “bằng lòng với kết quả hiện có” và tầm quan trọng của việc phải thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo đến người nông dân.
 
Nông nghiệp nhiều khởi sắc
Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm qua là người nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như các mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... Các mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái thì các mô hình sản xuất sạch, an toàn để nâng cao giá trị nông sản tiếp tục được nhân rộng. Trong đó, ngành hàng xoài đã từng bước được áp dụng như: Cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Hiện sản phẩm Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
 
Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế hợp tác và Hội quán đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Thông qua mô hình Hội quán đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; nổi bật còn là mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã (HTX) mới.
 
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 HTX được thành lập từ 18 Hội quán. Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản thành công như: Đông Tân Hội quán (TP.Cao Lãnh) đã xây dựng thành công mô hình “Cây cam nhà tôi” và liên kết bán được 40 cây cam, với số tiền trên 400 triệu đồng; Minh Tâm Hội quán (huyện Cao Lãnh) đã xây dựng và bán ra hơn 224 “Cây xoài nhà tôi” với tổng số tiền trên 830 triệu đồng; Canh Tân Hội quán (huyện Châu Thành) xây dựng và kết nối thành công việc tiêu thụ nhãn với các doanh nghiệp (DN)...
 
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn do áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo, trái cây, thủy sản... Đặc biệt, vấn đề thị trường Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu chính ngạch với những điều khoản khắt khe hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc sản phẩm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng...
 
Phải mạnh dạn thay đổi bởi “Ngoài kia gió đang thổi”
Theo Bí thư Lê Minh Hoan, kết quả trong năm qua là sự cố gắng rất lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không được bằng lòng với những kết quả hiện có mà phải thay đổi một cách mạnh mẽ, từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng, bởi “ngoài kia gió đang thổi”...
 
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, sự thay đổi của thế giới nhanh đến mức, cái mới vừa hình thành thì đã có cái mới thay thế, sản phẩm này vừa hình thành thì đã có sản phẩm khác thay thế. Chính vì vậy, nếu cứ “đủng đa đủng đỉnh” thì sẽ thất bại. Thay đổi từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp là lấy chất lượng thay cho sản lượng và phải đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Theo đó, tư duy này phải thấm nhuần từ lãnh đạo các cấp đến DN, HTX, nông dân thì mới có sự thay đổi lớn. Trước tiên, nhà quản lý phải phân tích cho người nông dân hiểu rõ cái nào đúng, cái nào hợp lý để nông dân nhận ra điểm yếu và chưa đúng mà mạnh dạn thay đổi. Đồng thời để có sự thay đổi trong nông nghiệp, đội ngũ lãnh đạo phải có trách nhiệm kết nối những thành phần trong chuỗi liên kết lại với nhau, cùng tạo ra một sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Ngành hàng xoài từng bước được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội nông nghiệp số Việt Nam thông tin, truy suất nguồn gốc là chương trình mục tiêu quốc gia của Trung Quốc trong thời gian tới. Theo đó, họ đặt ra hai mục tiêu, thứ nhất yêu cầu tất cả các nhà cung cấp nông sản vào nước này phải đảm bảo vấn đề truy suất nguồn gốc. Thứ hai, Trung Quốc sẽ định vị toàn cầu nguồn gốc tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào nước của họ. Chính vì thế, thời gian tới đây, họ chỉ cần nhìn vào định vị này có thể kiểm soát được việc tuân thủ xây dựng mã vùng của các nước nhập khẩu vào thị trường của họ, do đó chúng ta phải nghiêm túc, tự giác thực hiện tốt mới tiến bộ được.
 
Theo bà Thành Thực, quy định về truy xuất nguồn gốc là cơ hội lớn nhất chưa từng có để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tiên là thay đổi tư duy của người sản xuất rồi đến người quản lý hành chính nhà nước. Bà Thực khẳng định, mất thị trường Trung Quốc trong thời điểm này thì nông sản Việt Nam cực kỳ khó khăn, nếu Trung Quốc mất nguồn cung nông sản từ Việt Nam thì không sao cả, vì họ có rất nhiều lựa chọn.
 
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, Đồng Tháp cấp được 400ha mã vùng/29.600ha cây ăn trái, đạt 1,35%, nếu tính tổng trên diện tích trồng trọt là 250.000ha là chỉ đạt 0,16%. Tuy nhiên, trong kế hoạch năm 2020, Đồng Tháp đưa ra chỉ tiêu thành lập 49 HTX, như vậy theo bà Thành Thực sẽ không đủ cho việc thành lập các tổ nhóm cho việc truy suất nguồn gốc. Bởi vì, tối thiểu phải xây dựng được mã vùng mã xưởng phù hợp với ít nhất 50% diện tích cây ăn trái mà Đồng Tháp muốn xuất khẩu đi Trung Quốc.
 
Truy suất nguồn gốc là vấn đề không hề mới và chúng ta đã, đang làm trong thời gian qua, đó là từng bước áp dụng các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP, các yêu cầu truy suất quy định trên tem... đây là các quy định không hề mới. Để làm được điều này, cần phải có sự thay đổi tư duy một cách toàn diện từ các cấp lãnh đạo đến toàn thể nhân dân mới có thể thành công. Theo đó, lãnh đạo phải vận dụng toàn bộ trí tuệ, thiết bị, công nghệ cho việc thay đổi, còn nông dân phải đồng lòng cùng làm với Nhà nước trong “cuộc cách mạng” này. “Bởi nếu chỉ một phía thì không bao giờ thành công và doanh nghiệp chúng tôi cũng sẽ không chờ được, các nước xuất khẩu cũng không chờ được... nếu các bạn không làm các bạn sẽ thất bại” - bà Thành Thực khẳng định.
 
Tâm đắc với những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của tỉnh và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chính vì vậy, các ngành cần mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn để cùng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta phải thay đổi tư duy sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Đây là nguyên tắc về quy luật cho sự phát triển.
 
Chủ tịch Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự rà soát ở ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách để vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, ngành nông nghiệp phải hỗ trợ, định hướng, đào tạo để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng nhanh với sự thay đổi này. Trước mắt là xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngành công thương phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng cường tiếp cận các kênh bán lẻ, bán hàng online, tập huấn thiết kế bao bì, nhãn hiệu, hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu.
 
Đồng Tháp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng. Các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết cũng là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề còn lại là bà con nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm cải thiện thu nhập từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
 
“Cán bộ nông nghiệp, chính quyền các địa phương cũng phải “sống cùng với nông dân” để cùng làm một cuộc cách mạng nông nghiệp mới. Theo đó, đội ngũ này phải cùng HTX, Hội quán truyền đạt những hiểu biết, những thay đổi của thế giới đến người nông dân để từ đó họ mạnh dạn thay đổi tư duy, sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, trước hết là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tâm huyết chia sẻ.
Mỹ Nhân - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu