Thứ năm, 09/06/2022,10:00 (GMT+7)
Mở cửa thị trường cho trái cây Việt
Để trái cây Việt vươn ra các thị trường, bên cạnh động thái tích cực đàm phán của cơ quan chức năng, cần sự chủ động từ phía vùng trồng trong việc triển khai sản xuất an toàn, cấp mã vùng trồng...
 
Ngày 8-6, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam".
 
Không đợi ùn ứ mới lo tiêu thụ
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, cho biết sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn; trong đó, 6 tháng cuối năm ước tính 4,1 triệu tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn, như: chuối 2,16 triệu tấn/năm; thanh long 1,4 triệu tấn/năm; cam 1,06 triệu tấn; xoài 870.000 tấn/năm; dứa 690.000 tấn/năm; sầu riêng 680.000 tấn/năm; nhãn 550.000 tấn/năm…
 
Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hầu hết sản phẩm nông - lâm - thủy sản đều tăng nhưng riêng mặt hàng rau quả lại giảm 13,5% so với cùng kỳ và chỉ đạt 1,47 tỉ USD. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Tiêu thụ rau quả từ nay đến cuối năm dự báo còn khó khăn khi Trung Quốc vẫn siết chặt kiểm soát Covid-19 gây ùn ứ tại cửa khẩu. "Các địa phương cần nắm chắc vùng trồng để kết nối tiêu thụ thường xuyên, không để đến lúc xảy ra ùn ứ mới tìm cách tiêu thụ" - ông Tùng lưu ý.
 
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng chúng ta không thể yêu cầu các nước nhập khẩu hạ tiêu chuẩn xuống mà buộc phải nâng tiêu chuẩn sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác. Ngay bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để khi nhà nước đàm phán mở cửa xong thì sẵn sàng xuất khẩu. "Phải ý thức rằng nếu sản xuất theo kiểu cũ sẽ không ai mua, ngay cả bán ở thị trường nội địa cũng nâng cao tiêu chuẩn" - ông Tùng nhấn mạnh.
 
Ghi nhận thực tế cho thấy doanh nghiệp (DN) địa phương đã tích cực triển khai sản xuất an toàn, chuẩn bị vùng trồng cho định hướng xuất khẩu lâu dài. Đại diện một DN cho biết đang tìm vùng trồng bưởi có mã số để chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ nhưng vẫn chưa kết nối được. Để thuận tiện hơn, theo DN này, mã số vùng trồng nên giao cho địa phương hoặc HTX tại địa phương quản lý.
 
Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng đã lên kế hoạch xây dựng 4 kho ở 4 vùng trồng (trái cây, hành tím, lúa gạo và thủy sản) để bảo quản nông sản trong trường hợp nông dân thu hoạch đồng loạt mà thương lái không thu mua hết. Còn tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh trồng chuối và chanh leo do hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận lên đến 350-400 triệu đồng/năm/ha. Hiện 2 mặt hàng này chủ yếu do DN lớn đầu tư với tiêu chuẩn trồng GlobalGAP.
Mở cửa thị trường cho trái cây Việt - Ảnh 1.
Trái chuối Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc
 
Tích cực mở cửa thị trường
Cập nhật về công tác mở cửa thị trường, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT, cho biết tin mới nhất là Trung Quốc đã tạm thời mở cửa thị trường cho trái chanh leo tươi Việt Nam. Đây là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sản lượng lớn, giá trị cao. Trái chanh leo tươi Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu vào tỉnh Quảng Đông (qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh) để thí điểm với điều kiện sản phẩm phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm.
 
Đối với trái sầu riêng, 2 phía Việt Nam - Trung Quốc đang dự thảo nghị định thư, dự định sẽ ký kết trong năm nay. Còn với trái bưởi, dự kiến các thủ tục cuối cùng sẽ được hoàn tất trong năm nay để có thể đưa sản phẩm này xâm nhập thị trường Mỹ. Việt Nam cũng đang đàm phán với Nhật Bản để xuất khẩu nhãn xử lý lạnh sang nước này.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho hay vừa tham dự Hội chợ Thaifex tại Thái Lan và ghi nhận được nhiều bài học xây dựng thương hiệu quý giá. Theo bà, Thái Lan không hỗ trợ tiền hay chính sách cho nông dân mà xác định cần phải truyền thông để họ có ý thức nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, sầu riêng Thái Lan giá cao hơn Việt Nam và họ đã tiến đến chế biến sâu, thậm chí làm tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng...
 
Xuất khẩu chuối sang Trung Quốc tăng mạnh
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng vượt bậc trong khi các mặt hàng trái cây khác sụt giảm. Trong 742.000 tấn chuối tươi Trung Quốc nhập trong tháng 5, Việt Nam chiếm thị phần nhiều nhất với 43%.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo tình trạng gia tăng vi phạm đối với các lô hàng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, cả năm 2021 chỉ có 20 vụ vi phạm nhưng 5 tháng đầu năm 2022 đã có tới 127 lô vi phạm. Các vi phạm chủ yếu về kiểm dịch thực vật, trong đó có mẫu phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó, các DN phải tuân thủ quy định thị trường để tận dụng được lợi thế.
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu