Thứ tư, 04/07/2018,09:26 (GMT+7)
Mở rộng độ bao phủ các giống lúa OM
Cuối tháng 6 vừa qua, Viện Lúa ĐBSCL và Công ty Giống Cây trồng Nông Việt Pháp (Đắk Lắk) đã ký kết Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng độc quyền giống lúa thuần OM 5954. Đây là giống lúa đầu tiên được Viện hợp tác chuyển giao sử dụng độc quyền cho 1 doanh nghiệp thuộc khu vực Tây Nguyên. Giống lúa OM 5954 được lai tạo từ 2 giống lúa OM1644 và OM1490 với thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày. Cây lúa có khả năng đẻ nhánh mạnh, thích hợp trồng trong vụ đông xuân và hè thu.

Triển vọng từ giống lúa mới

Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Giống Cây trồng Nông Việt Pháp, chia sẻ: Công ty đã tiến hành trồng khảo nghiệm giống OM 5954 tại 20 điểm trình diễn ở nhiều địa phương và phát hiện ra những ưu điểm vượt trội về khả năng chống chịu sâu bệnh và các tác động của biến đổi khí hậu, năng suất cao, phẩm chất cơm ngon. Do đó, công ty đã  ký kết hợp đồng với Viện Lúa để được chuyển giao quyền sử dụng đối với giống lúa này.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (bìa phải) trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Giống cây trồng Nông Việt Pháp về chiến lược phát triển giống lúa OM 5954. Ảnh: MINH HUYỀN

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (bìa phải) trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Giống cây trồng Nông Việt Pháp về chiến lược phát triển giống lúa OM 5954. Ảnh: MINH HUYỀN

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Viện ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với 4 đơn vị gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông Việt Pháp. Đối với 3 đơn vị là Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông Việt Pháp, Viện gửi cho mỗi công ty một bộ giống gồm khoảng 10 giống lúa. Các giống lúa này sẽ không trùng lắp giữa các công ty. Các công ty sẽ tiến hành trồng thử nghiệm và chọn ra giống lúa  phù hợp để hợp tác khai thác tác quyền sử dụng giống lúa.

Tính đến tháng 6-2018, Viện Lúa ĐBSCL đã chuyển nhượng quyền sở hữu 7 giống lúa cho 4 công ty chuyên kinh doanh giống, gồm: Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (OM 8017, OM5953), Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình (OM8017), Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (OM5451, OM2514, OM2517, OMCS2000), Công ty cổ phần Giống Cây trồng Trung ương (OM6976). Đồng thời, Viện chuyển giao quyền sử dụng độc quyền cho từng khu vực hoặc toàn quốc đối với một số giống lúa cho 8 đơn vị, gồm: Công ty Nông nghiệp Nhiệt đới, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống Thái Bình, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn, Công ty Nông nghiệp nhiệt đới, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Công ty Giống cây trồng Nông Việt Pháp.

Tăng độ bao phủ

Trong chiến lược phát triển đối với giống lúa OM5954, Công ty Giống Cây trồng Nông Việt Pháp sẽ tập trung cung ứng giống lúa này đến nông dân ở 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Tiếp theo, sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… và tiến tới đưa giống lúa này ra khai thác ở khu vực miền Bắc. Trong quá trình đưa các giống lúa mới vào sản xuất, quá trình liên kết “4 nhà là rất quan trọng. Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Giống Cây trồng Nông Việt Pháp, chia sẻ: Rõ ràng nông dân thường có tâm lý so sánh các giống lúa mới với giống truyền thống ở địa phương và băn khoăn là sản xuất giống mới sẽ khó về đầu ra. Do đó, công ty xác định sẽ tập trung vào chiến lược marketing, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức xay xát, nấu cơm để nông dân, doanh nghiệp xay xát lúa gạo trực tiếp tham gia đánh giá, so sánh với các giống lúa khác.

Vai trò của các nhà khoa học là nghiên cứu đưa ra những giống tốt hơn giống cũ và nhà kinh doanh làm thế nào mang các giống mới tiếp cận nông dân. Các đơn vị khi được chuyển nhượng quyền sở hữu cũng như chuyển giao quyền sử dụng độc quyền đối với các giống lúa OM cũng mong muốn góp sức cùng Viện Lúa đưa giống tốt đến nông dân đồng thời hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa giống khi đến tay nông dân.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Thời gian tới, Viện Lúa sẽ tập trung liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tổ chức trồng khảo nghiệm các giống lúa ở nhiều khu vực nhằm chọn ra những giống thích nghi với các vùng sản xuất cũng như tiến tới hợp tác chuyển giao giống cho các đơn vị. Việc bắt tay hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp các giống lúa của Viện nhanh chóng đi vào sản xuất. Đồng thời, đây cũng là động lực để Viện tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm thêm những giống lúa mới có đặc tính vượt trội đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Nguồn: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu