Thứ sáu, 16/08/2019,14:54 (GMT+7)
Mùa cá sơn
Mỗi lần mưa đầu nguồn đổ về, tất cả các loài thủy sản ở Tam Giang đều phải nổi lên nước mà bơi vô nò sáo. Ngư dân Tam Giang gọi dòng nước trên nguồn đổ về là “ nước độc” bởi khi “ nước độc” đổ về cũng là mùa cá mới của phá Tam Giang và nếu không đánh bắt hết thì tất cả các loài thủy sản này đều tự chết.

Có thể so sánh mùa cá tôm trên phá cũng như mùa lúa trên ruộng, gặt xong rồi thì phải có cây lúa mới; cá tôm cũng vậy “nước độc” về thì tự chết để lại sinh sôi nảy nở những bầy đàn thủy sản mới. Hay như chuyện con lệch, có loài như lệch cú, lệch khoai, lệch huyết thì sống ở phá Tam Giang còn loài lệch roi thì ở trên suối theo nước đổ mà về phá. Phá Tam Giang tính từ Cửa Lác đến Cửa Thuận thì loài cá sống nhiều nhất, cho thịt ngon nhất là cá bống vì nước phá Tam Giang đoạn này chỉ lơ lớ mặn thôi…

Trở lại chuyện con cá sơn, là loại cá nhỏ lại hơi nhiều xương, không phải được liệt vào loài cá đặc sản của phá Tam Giang như cá dìa, cá nâu, cá bống, cá kình… Bởi thế đến mùa cá sơn, giá mỗi cân cũng chỉ hai ba chục ngàn, có khi rẻ chỉ đến chục ngàn. Cũng ít ai nấu canh với cá sơn mà chỉ chế biến cá sơn với món kho cay với ớt gừng hoặc kho ném. Những con cá sơn to bằng ba ngón tay có thể lóc thịt làm món chả cá sơn chiên ăn cũng rất thấm thía… Có thêm một món khá “độc” được chế biến từ cá sơn đó là mắm cá sơn. Cá sơn rửa sạch, cắt kỳ, vây rồi phơi qua một hai nắng. Sau đó đem làm món mắm theo công thức ba cá, một muối. Món mắm cá sơn ít phổ biến như mắm các loại cá biển nhưng đã ăn một vài lần thì nhớ mãi vì cái vị riêng của loại cá nước lợ.

Cá sơn rẻ là vậy nên là món ăn chủ lực của những người dân làm ruộng nghèo bên phá Tam Giang. Món cá sơn kho với ớt gừng cùng với mo cơm nắm bới theo trong cặp đã từng đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò phải đi học xa nhà những năm còn  thiếu thốn…

Phi Tân-(baodulich.net.vn)
T/h: Quốc Dương-(dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu